Thứ năm, 31 Tháng 10 2019 14:15

Xác định tư cách của bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc xác định tư cách người tham gia tố tụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp luật có liên quan; việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng sẽ dẫn đến việc giải quyết vụ án hình sự không được toàn diện, triệt để. 

Chương IV, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về người tham gia tố tụng, trong đó Điều 55 quy định có 20 tư cách người tham gia tố tụng và được cụ thể từ Điều 56 đến Điều 70; Điều 72, 83, 84 và Điều 434 để giải thích về khái niệm, quyền, nghĩa vụ của từng người tham gia tố tụng.

Trong thực tiễn việc xác định tư cách người tham gia tố tụng là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo rất rõ ràng, dễ xác định, còn đối với người tham gia tố tụng là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một số vụ án cụ thể rất khó xác định, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong bài viết này tôi đề cập đến việc xác định tư cách của bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

* Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Căn cứ điều luật nêu trên thấy rằng:

- Thứ nhất, về chủ thể bị hại bao gồm cá nhân, pháp nhân, tổ chức;

- Thứ hai, thiệt hại do tội phạm gây ra được phân chia bao gồm: Cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp.

- Thứ ba, thiệt hại của bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của tội phạm. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt giữa bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay các đương sự khác trong vụ án hình sự.

Bị hại hoặc người đại diện của họ có 14 quyền (từ điểm a đến điểm o, khoản 2 Điều 62 BLTTHS) và có 02 nghĩa vụ (điểm a, b khoản 4 Điều 62 BLTTHS).

* Điều 65 BLTTHS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.”

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có 9 quyền (từ điểm a đến điểm i, khoản 2 Điều 65 BLTTHS) và có 03 nghĩa vụ (điểm a, b, c khoản 3 Điều 65 BLTTHS). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia thực hiện tội phạm và Tòa án phải giải quyết quyền lợi, tài sản của họ vì liên quan đến vụ án hình sự. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thường là chủ sở hữu tài sản, nhưng tài sản đó lại có trong tay người phạm tội; hoặc người được người phạm tội giao cho tài sản, mà tài sản đó là do phạm tội mà có…

Những quy định của BLTTHS là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên trong thực tiễn việc xác định tư cách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vẫn có quan điểm và ý kiến trái ngược nhau, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Ví dụ 1: A và B có quan hệ bạn bè, ngày 10/5/2018 A mượn B chiếc điện thoại di động để sử dụng. Ngày 15/5/2018 khi A đang chơi bi a tại quán nhà C ở huyện Y, A để chiếc điện thoại trên bàn thì bị D lấy trộm, trị giá chiếc điện thoại là 10.000.000đ. D bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 173 BLHS. Trong vụ án này có 02 quan điểm khác nhau về xác định tư cách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

- Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: A là bị hại, vì A là người đang trực tiếp quản lý và sử dụng hợp pháp chiếc điện thoại, B chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mặc dù A không có quyền định đoạt chiếc điện thoại.

- Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: B là bị hại, vì B mới là chủ sở hữu chiếc điện thoại và B có quyền định đoạt chiếc điện thoại, A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ 2: Ngày 10/6/2018 H đi xe máy (xe của H) đến gửi xe với K (người có trách nhiệm trông giữ xe) ở Bệnh viện đa khoa tỉnh X. Khoảng 22 giờ cùng ngày M đi vào nơi trông xe lấy trộm chiếc xe của H, K phát hiện đã hô hoán, đuổi bắt được M và lấy lại chiếc xe. Trị giá chiếc xe là 25.000.000đ. M bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

Cũng như ví dụ 1, vụ án này có 02 luồng quan điểm khác nhau về xác định tư cách bị hại người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

- Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: K là bị hại, vì K là người đang trực tiếp quản lý, trông giữ chiếc xe máy (mặc dù K không có quyền định đoạt chiếc xe), H chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bởi vì hành vi của M là lén lút đối với K (người đang trông giữ chiếc xe), chứ không lén lút đối với H.

- Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: H là bị hại, vì H mới là chủ sở hữu chiếc xe và có quyền định đoạt chiếc xe đó, K là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì đây là hợp đồng gửi giữ tài sản.

Vậy giả sử khi M lấy trộm chiếc xe đưa ra khỏi nơi trông giữ thì bị K phát hiện đuổi theo, K đã giành lại được chiếc xe, nhưng bị M dùng gậy sắt đánh vào đầu K làm K bất tỉnh, tỷ lệ thương tích 8%, sau đó M tiếp tục lấy xe của H mang đi bán. M bị xử lý về tội Cướp tài sản theo điểm d, khoản 2 Điều 168 BLHS. Hành vi dùng vũ lực của M đã tác động trực tiếp đến K để chiếm đoạt chiếc xe máy, vậy bị hại trong vụ án này phải là K, H chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Ví dụ 3: Ngày 20/8/2018, E đi xe máy (xe của E) tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, bị Công an giao thông huyện Y tạm giữ xe và đưa xe về trụ sở Công an huyện, hẹn ngày 23/8/2018 đến giải quyết. Khoảng 01 giờ ngày 22/8/2018, E trèo tường vào trụ sở Công an huyện Y lấy trộm chiếc xe máy của E đang bị giữ trong kho của Công an huyện Y và bị bắt, trị giá chiếc xe máy là 20.000.000đ. Vấn đề đặt ra là E có phạm tội không, tội gì? và ai là bị hại trong vụ án. Theo quan điểm của tác giả thì E phạm tội Trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 173 BLHS). Trong trường hợp này Công an huyện Y là bị hại, mặc dù Công an huyện Y chỉ là đơn vị có trách nhiệm tạm giữ và quản lý hợp pháp tài sản, không có quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với chiếc xe máy.

Từ phân tích nêu trên thấy rằng việc xác định bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn cả về lý luận và thực tiễn trong xử lý tội phạm. Tác giả bài viết đồng tình với nhóm ý kiến thứ nhất: Người đang quản lý hoặc trông giữ hợp pháp tài sản là bị hại trong vụ án hình sự vì thiệt hại của họ là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm, tức là có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của tội phạm gây ra, còn chủ sở hữu tài sản là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trên đây là nhận thức và quan điểm của cá nhân về xác định tư cách bị hại và tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

Hoàng Hữu Sỹ - VKSND huyện Văn Quan

23796 Lượt đã xem