Thứ ba, 30 Tháng 7 2019 14:21

Trao đổi với bài viết của tác giả Hoàng Hữu Sỹ "Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết một vụ án cố ý gây thương tích"

      Ngày 01/7/2019, tác giả Hoàng Hữu Sỹ có bài trao đổi nghiệp vụ vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án Cố ý gây thương tích đăng trên Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, với mong muốn cùng có nhận thức đúng đắn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tôi xin được tham góp một số ý kiến trao đổi đối với vấn đề tác giả Hoàng Hữu Sỹ nêu ra như sau:

      Trước hết chúng ta cần thống nhất nhận thức những nội dung sau:

      Thứ nhất: Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đều có những quy định về việc giám định, giám định bổ sung, giám định lại, giám định lại lần thứ hai và giám định lại trong trường hợp đặc biệt, tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng một nội dung cần giám định thì Luật Giám định tư pháp năm 2012 không quy định là phải sử dụng kết luận giám định nào làm căn cứ để giải quyết vụ án, mà chỉ duy nhất Điều 212 BLTTHS quy định về Giám định lại trong trường hợp đặc biệt như sau: “Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định…Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.”. Như vậy, trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng một nội dung cần giám định thì chỉ duy nhất kết luận giám định trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 212 BLTTHS viện dẫn ở trên mới được xác định là có giá trị pháp lý để làm căn cứ giải quyết vụ án, còn những vụ án có nhiều kết luận giám định khác nhau mà không có kết luận giám định trong trường hợp đặc biệt thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá để xác định kết luận giám định nào là đúng đắn và có giá trị pháp lý để sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.

      Thứ hai: Điều 210 BLTTHS và khoản 1 Điều 29 Luật Giám định tư pháp quy định việc giám định bổ sung chỉ trong hai trường hợp là: “Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ; Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.”. Điều 211 BLTTHS và khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp quy định việc giám định lại chỉ trong trường hợp: “khi có nghi ngờ (hoặc có căn cứ cho rằng) kết luận giám định lần đầu không chính xác”. Khoản 3 Điều 211 BLTTHS và khoản 1 Điều 30 Luật Giám định tư pháp quy định: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định”. Như vậy có thể thấy rằng: việc giám định bổ sung, giám định lại phải đảm bảo có căn cứ theo những quy định nêu trên, nhằm tránh việc giám định bổ sung, giám định lại tùy tiện, không có căn cứ, dẫn đến có nhiều kết luận giám định khác nhau trong một vụ án, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án được đúng đắn; đối với việc giám định lại lần thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải đánh giá kết luận giám định xem có cần phải giám định lại hay không, trong trường hợp qua đánh giá xác định được kết luận giám định đảm bảo được tính đúng đắn và có có giá trị pháp lý để làm căn cứ giải quyết vụ án thì không cần phải trưng cầu giám định lại lần thứ hai.

      Trở lại với vụ án và vấn đề mà tác giả Hoàng Hữu Sỹ nêu, tôi thấy như sau:

      Đối với tỷ lệ thương tật của Trần Văn B: theo kết luận giám định lần đầu của Trung tâm Pháp y tỉnh L là 31%; theo kết luận giám định lại của Viện khoa học hình sự Bộ Công an là 10% (sau 01 tháng); theo kết luận giám định lại lần thứ hai của Viện Pháp y Quốc gia là 16% (sau 21 ngày). Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải xem xét xem việc giám định lại có căn cứ theo quy định tại Điều 211 BLTTHS và khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp "khi có nghi ngờ (hoặc có căn cứ cho rằng) kết luận giám định lần đầu không chính xác" hay không và việc giám định lại lần thứ hai có cần thiết và bắt buộc như đã nêu ở phần trên hay không . Tuy nhiên, về nội dung vụ án tác giả bài viết không nêu rõ là Trần Văn B bị chém vào vị trí nào trên cơ thể, theo Bệnh án thì đặc điểm, mức độ… của thương tích như thế nào, tác giả cũng không nêu căn cứ (tại sao) phải giám định lại và khi quyết định trưng cầu giám định lại lần thứ hai thì đã thực hiện việc đánh giá các kết luận giám định lần đầu và giám định lại hay chưa, nếu có đánh giá thì việc đánh giá như thế nào… , do đó không có cơ sở để xác định tính khách quan, phù hợp và đúng đắn của các kết luận giám định của vụ án cụ thể mà tác giả nêu ra.

      Như trên đã trình bày, việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng một nội dung cần giám định là thuộc trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng (trừ trường hợp có kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt); vậy việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định cần phải dựa trên những căn cứ, cơ sở nào, theo tôi về phương pháp chung nhất là phải đối chiếu Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích (ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế) với đặc điểm, vị trí, mức độ thương tích của bị hại, cũng như mức độ phục hồi của thương tích sau khi điều trị tại thời điểm thực hiện giám định được thể hiện tại Bệnh án và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, để xem có khách quan, phù hợp và đúng đắn hay không. Có thể nói rằng, đây là phương pháp quan trọng để đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau, đây cũng là phương pháp để xác định có căn cứ và cần thiết phải giám định lại hay giám định lại lần thứ hai hay không.

      Có một thực tế cho thấy, kết luận giám định lần đầu và giám định lại cách nhau một khoảng thời gian đáng kể, do đó khi giám định lại thì tỷ lệ thương tật của bị hại có thể giảm đi hoặc tăng lên (thông thường là giảm đi do vết thương đã phục hồi, có trường hợp tỷ lệ thương tật còn 0%), vậy trong trường hợp này phải sử dụng kết luận giám định nào làm căn cứ giải quyết vụ án. Có quan điểm cho rằng phải sử dụng kết luận giám định lần đầu, vì nó phản ánh hậu quả trực tiếp bị can, bị cáo đã gây ra cho người bị hại; cũng có quan điểm cho rằng phải sử dụng kết luận giám định lại, vì giám định ở đây là giám định đến tổn hại sức khỏe, thì phải lấy kết quả sau mới chính xác. Theo quan điểm của tác giả bài viết, cần phải sử dụng kết luận giám định đầu tiên để làm căn cứ giải quyết vụ án, vì theo quy định tại Điều 211 BLTTHS thì chỉ giám định lại khi có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, chứ không có quy định giám định lại theo mức độ phục hồi thương tích của bị hại; trong trường hợp nêu trên có thể sử dụng cả hai kết luận giám định, tuy nhiên, kết luận giám định lần đầu được sử dụng để định tội, định khung hình phạt, còn kết luận giám định sau được sử dụng để làm căn cứ giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại.

      Đối với vụ án cụ thể nêu trên, tác giả Hoàng Hữu Sỹ đưa ra hai quan điểm về việc sử dụng kết luận giám định trong trường hợp có 03 kết luận giám định khác nhau như sau: Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải sử dụng kết luận giám định của Viện Pháy y Quốc gia, vì việc giám định do Hội đồng giám định (03 thành viên) thực hiện và Hội đồng giám định này do Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ thành lập (Cơ quan giám định cao nhất); Quan điểm thứ hai cho rằng cần phải sử dụng kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an (tỷ lệ thương tật 10%), vì đây là kết luận có tỷ lệ thương tật thấp nhất, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo thì phải sử dụng kết luận giám định này. Tác giả Hoàng Hữu Sỹ cũng nêu quan điểm cá nhân là đồng ý với quan điểm thứ hai. Tác giả bài viết cho rằng cả hai quan điểm nêu trên đều không có căn cứ, bởi vì như đã trình bày ở phần trên, trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau thì chỉ có kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 212 BLTTHS là được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án, còn lại các trường hợp khác thì các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải đánh giá xác định kết luận giám định nào là phù hợp, đúng đắn, có giá trị pháp lý để sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án và phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá, sử dụng của mình, do đó việc dựa trên cơ sở là cơ quan giám định cấp cao nhất để sử dụng kết luận giám định là không có căn cứ và việc dựa trên nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo để sử dụng kết luận giám định càng không đúng trong trường hợp này. Tuy nhiên, quá trình đánh giá để sử dụng kết luận giám định thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời các chuyên gia hoặc những người đã tiến hành giám định tham gia giải đáp các vấn đề về khoa học chuyên môn, trong trường hợp có khó khăn và không thể đánh giá để sử dụng kết luận giám định thì có thể báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại theo quy định tại Điều 212 BLTTHS.

      Trên đây là một số ý kiến trao đổi đối với bài viết của tác giả Hoàng Hữu Sỹ, về vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án Cố ý gây thương tích, mong rằng sẽ có thêm nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này để có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất./.

Nguyễn Tuấn Anh (Phòng 1 - VKSND tỉnh Lạng Sơn)










4325 Lượt đã xem