Thứ hai, 01 Tháng 7 2019 08:07

Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết một vụ án Cố ý gây thương tích

      Công tác giám định tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý vụ án hình sự. Kết luận giám định là chứng cứ (điểm d, Điều 87 BLTTHS) để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Đảm bảo việc xử lý vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

      Trong thực tế điều tra, truy tố, xét xử tại địa phương thấy còn có khó khăn, vướng mắc trong giải quyết một vụ án Cố ý gây thương tích cụ thể sau:

Nội dung vụ án: Do có mâu thuẫn với Nguyễn Văn T (sinh năm 1996) nên khoảng 21 giờ ngày 20/8/2018 Trần Văn B (sinh năm 1998) đã gọi điện thoại hẹn gặp Nguyễn Văn T ở Cây xăng Ptrolimex, huyện C, tỉnh L để giải quyết mâu thuẫn, khi đi T mang theo một con dao dài 30cm (cả chuôi), lưỡi dao bằng kim loại bản rộng 6cm. Khoảng 22 giờ cùng ngày, T gặp B, sau vài lời qua tiếng lại T đã dùng dao chém B nhưng không trúng, khi B bỏ chạy, T đuổi theo dùng dao chém trúng một phát vào người B, làm B bị thương.

      Ngày 30/8/2018 (sau 10 ngày) Trung tâm Pháp y tỉnh L kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định của Trần Văn B là 31%. Căn cứ kết luận giám định, Công an huyện C đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn T về tội Cố ý gây thương tích, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra T và gia đình đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho B theo yêu cầu của B.

      Sau khi được thông báo kết quả giám định, Nguyễn Văn T đã đề nghị giám định lại đối với Trần Văn B. Ngày 30/9/2018 Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể của B là 10%.

      Do có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại (Điều 30 Luật Giám định tư pháp) nên Công an huyện C đã trưng cầu giám định lại lần thứ hai. Ngày 21/10/2018 Viện Pháp y Quốc gia kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể của B là 16%.

      Như vậy nếu căn cứ vào kết quả giám định của: Trung tâm pháp y tỉnh L (lần đầu 31%) thì bị can T sẽ bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự; của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an - 10% thì T bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự; của Viện Pháp y Quốc gia - 16% thì T bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

      Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn T bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự (căn cứ kết luận giám định của Viện Pháp y Quốc gia - 16%) Bởi vì: Việc giám định lại lần thứ hai do Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng, Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Nên kết luận giám định lại lần thứ hai (kết luận của Viện Pháp y Quốc gia) là kết luận có giá trị cao nhất.

      Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn T bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự (căn cứ kết luận của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an - 10%), bởi vì:

      - Thứ nhất, Luật Giám định tư pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 211) không quy định kết luận giám định lại lần thứ hai là kết quả cao nhất, mà chỉ quy định kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt (Điều 212 BLTTHS) được sử dụng để giải quyết vụ án. Như vậy, trong vụ án nêu trên, theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định có phần trăm thương tích ít nhất làm căn cứ xử lý.

      - Thứ hai, Giám định pháp y là lĩnh vực đặc thù, nên không thể áp dụng cơ chế hành chính theo kiểu kết luận của tổ chức cao nhất là kết luận cuối cùng, đáng tin cậy và có quyền phủ nhận các kết luận khác.

      - Thứ ba, kết luận giám định pháp y cũng là nguồn chứng cứ, nên việc xem xét đánh giá chứng cứ để đảm bảo tính xác thực, độ tin cậy và giá trị của các chứng cứ đã thu thập, đảm bảo phù hợp với các tài liệu khác có liên quan của vụ án là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng, là căn cứ để đi đến quyết định giải quyết vụ án chính xác, khách quan đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
      Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp. Trân trọng!

Hoàng Hữu Sỹ - Viện KSND huyện Chi Lăng

6226 Lượt đã xem