Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 16:40

Quy định về xét giảm thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ

Công tác kiểm sát thi hành án hình sự là một trong những nhiệm vụ, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo: Việc thi hành, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ. Đây là giai đoạn cuối trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án phải được đưa ra thi hành. Do đó, thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ là giải pháp hiệu quả trong chính sách pháp luật của Nhà nước ta, đảm bảo cho việc quản lý, giáo dục người phạm tội trở thành công dân tốt có ích cho xã hội, giảm được chi phí quản lý.

Thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, theo pháp luật hiện hành, người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt được quy định tại Điều 63 BLHS, Điều 77 Luật Thi hành án hình sự, Thông tư số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012; người được hưởng án treo có thể được Tòa án rút ngắn thời gian thử thách theo quy định tại Điều 65 BLHS, Điều 66 Luật Thi hành án hình sự, Thông tư số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo. Cụ thể quy định về xét giảm thời gian thử thách của án treo giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ được quy định như sau:

Thứ nhất: Các quy định về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT- BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; điều 8 Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo cụ thể:

Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ điều kiện sau:
Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;

Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;

Được Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ điều kiện nêu trên thì có thể được Tòa án quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu sau đó có tiến bộ mới thì Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.

Thứ hai: Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch số 08, điều 9 nghị quyết số 02 nêu trên cụ thể:

Khi người được hưởng án treo có đủ điều kiện để rút ngắn thời gian thủ thách theo quy định, thì Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo.

Cuộc họp xét, đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo của Ủy ban nhân dân cấp xã, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, với thành phần tham gia gồm đại diện lãnh đạo Công an, Mặt trận tổ quốc, Tư pháp cấp xã, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

Hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã gồm có: Bản sao bản án; Đối với trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai trở đi thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo; văn bản đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã và một số tài liệu khác.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án hình sự, văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của cơ quan thi hành án và chuyển hồ sơ, văn bản đề nghị cho Tòa án cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú xem xét, quyết định…

Ngoài ra tại Điều 9 của Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo có quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo như sau:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, phải thành lập Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo…

Thứ ba: Các quy định về điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại điều 6 Thông tư liên tịch số: 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012.

Với các quy định nêu trên thì điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là đã chấp hành được 1/3 thời hạn án phạt; đối với người chưa thành niên là 1/4 thời hạn án phạt, có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương,… Mức giảm: Mỗi năm được xét giảm một lần, mỗi lần có thể được giảm từ 3 tháng đến 9 tháng. Trường hợp đặc biệt có thể giảm 2 lần trong một năm. Người chấp hành án phạt cải tạo không giữ có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là 1/2 mức án, đối với người chưa thành niên là 2/5 mức án.

Trong trường hợp đặc biệt người chấp hành án lập công đã già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm, nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là 2/5 mức án. Đối với người chưa thành niên nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được 2/5 mức án mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành án lại không quá 01 năm thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 08,09 và Nghị quyết 02 nêu trên qui định về trình tự thủ tục xét giảm rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ, thì trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện VKS tham gia phiên họp, hội đồng xét giảm rút thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ có quyền chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, án phạt cải tạo không giam giữ. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì hội đồng có thể rút ngắn hết thời gian thử thách của án treo, án phạt cải tạo không giam giữ còn lại. Hoặc không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định đã viện dẫn và qua thực tế kiểm sát các quyết định về rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ của Tòa án cho thấy về tính thời gian chấp hành án để xét giảm còn có nhận thức chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc kiểm sát quyết định của Tòa án, cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất: Thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, thời gian chấp hành thử thách của án treo để được xét tiếp theo là 01 năm tính từ thời điểm đủ thời gian xét lần thứ nhất đến thời điểm xét lần thứ 2.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời gian 01 năm để được xét giảm lần thứ hai là tính từ ngày mở phiên họp xét lần thứ nhất hoặc từ thời điểm quyết định xét giảm lần thứ nhất có hiệu lực, đến ngày mở phiên họp xét giảm lần tiếp theo.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất vì thời gian để được xét giảm là thời gian đã chấp hành, không phụ thuộc vào thời gian mở phiên họp hay thời gian của quyết định có hiệu lực.

Trên đây là những quy định về xét giảm thời gian thử thách của án treo giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ và một số nhận thức chưa thống nhất mà đơn vị đưa ra để trao đổi./.

Phương Thị Thơm VKSND huyện Văn Quan 

9278 Lượt đã xem