Thứ ba, 23 Tháng 4 2019 11:21

Vướng mắc về pháp luật trong việc giải quyết các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em

      Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật cũng có chiều hướng gia tăng như tội phạm về ma túy, buôn lậu, buôn bán hàng cấm và đặc biệt là tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em với những diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn tinh vi.

      Cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phức tạp nổi cộm, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, ngăn ngừa tội phạm nói chung và nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em nói riêng.

      Thực tiễn quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật hiện hành để kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn thấy có một số quy định của pháp luật còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể như sau:

      1. Đối với tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất loạn luân” quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 141; Điểm a Khoản 2 Điều 142; Điểm d Khoản 2 Điều 143; Điểm a Khoản 2 Điều 144; Điểm c Khoản 2 Điều 145 theo BLHS năm 2015. Tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/09/2001 hướng dẫn về tội Loạn luân tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là “có tính chất loạn luân”.Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các vụ án mà người phạm tội là là chú ruột, bác ruột, cậu ruột, anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì ruột của bị hại. Trường hợp này có được coi là có tính chất loạn luân hay không? Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Trên thực tiễn, các Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn coi các trường hợp trên là có tính chất loạn luân. Nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể để làm căn cứ pháp lý trong quá trình giải quyết.

      2.Công tác giám định về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế. Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là loại đặc biệt, cần được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm, vì vậy đã gây nhiều khó khăn trong quá trình tìm ra chứng cứ và gây khó khăn cho công tác xử lý tội phạm.

      3. Theo quy định taị Điểm d Khoản 1 Điều 150; Điểm đ Khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Mua bán người và tội Mua bán người dưới 16 tuổi có tình tiết định khung tăng nặng “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với quy định như trên việc bắt, giữ được đối tượng khi đang đưa nạn nhân để qua biên giới chỉ xử lý được ở khung cơ bản của điều luật là mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi. Do đó, việc xử lý hành vi phạm tội không đúng với bản chất, ý thức chủ quan của người phạm tội, bởi về ý thức chủ quan của đối tượng phạm tội là nhằm mục đích đưa người ra nước ngoài để bán lấy tiền; nếu nạn nhân đã được đưa ra khỏi biên giới, thì việc thu thập lấy lời khai nạn nhân chỉ được thực hiện khi nạn nhân trốn được về nước trình báo hoặc được giải cứu. Thực tế có trường hợp gia đình nạn nhân tố cáo có đối tượng bán con, em họ nhưng do chưa lấy được lời khai của nạn nhân nên không xử lý được đối tượng đó. Tại điểm 3, Điều 3, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/01/2019 cũng đã có hướng dẫn tình tiết “đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên quy định “Trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”,là chưa rõ ràng, dẫn đến nhận thức khác nhau trong việc vận dụng quy định pháp luật, cần hướng dẫn cụ thể hơn vì ra khỏi biên giới tức là đối tượng đã thực hiện hành vi đưa nạn nhân ra khỏi biên giới; còn quy định “ đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới” sẽ gây khó hiểu bởi thế nào là đang ra khỏi biên giới, ví dụ: Nạn nhân đang được đưa đến tỉnh biên giới, khu vực biên giới hay đường biên giới…

      4. Tại Điểm bKhoản 1 Điều 46Bộ luật Hình sựnăm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có đề cập đến việc công khai xin lỗi người bị hại. Tuy nhiên, thủ tục công khai việc xin lỗi đối với các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em thì hiện nay chưa được hướng dẫn nên gặp khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là trong thực tiễn xét xử. 

      5. Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người bị hại để xác định người bị hại có phải là trẻ em hay không. Có trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm các thủ tục để tiến hành giám định tuổi của họ nhưng kết quả giám định của các cơ quan chuyên môn lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với tài liệu điều tra khác nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

      6. Nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn còn thấp, sống tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên nhiều người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật. Việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội chưa triệt để, một số trường hợp bên bị hại thường có tâm lý lo sợ, sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai nên còn che giấu, không trình báo cơ quan chức năng hoặc không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, việc thu thập chứng cứ, kết luận giám định pháp y gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc quá trình xác định hành vi phạm tội, áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa kịp thời, điều tra, truy tố cũng như xét xử đối với các trường hợp này còn khó khăn.
Trên đây là những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em mà tác giả tổng hợp, rất mong nhận được sự đóng góp của Quý đọc giả để bài viết hoàn thiện hơn./.

Nông Văn Hiển - Phòng 1, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn
 

5889 Lượt đã xem