Thứ sáu, 01 Tháng 2 2013 11:27

Cảnh giác với hành vi lừa đảo xin việc

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 11 năm 2012, Tòa án nhân dân thành phố Lạng Sơn đã đưa ra xét xử đối với các bị cáo Triệu Văn Phóng và Đinh Thị Bạch (là vợ chồng) cùng trú tại: thôn Tràng Phái, xã Tràng Các, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Trước đó 2 tháng (ngày 27/9/2012), Tòa án nhân dân huyện Văn Quan cũng đã xét xử đối với các bị cáo Phóng và Bạch về cùng hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên Triệu Văn Phóng chịu mức án 6 năm, 6 tháng tù giam; Đinh Thị Bạch 2 năm tù giam (Tổng hợp hình phạt của 2 bản án).

Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Triệu Văn Phóng

     Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Lạng Sơn truy tố các bị can thì: Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9/2011 đến ngày 15/02/2012, Triệu Văn Phóng và Đinh Thị Bạch đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nông Quốc Toàn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) bằng thủ đoạn tự rêu rao rằng mình có quan hệ thân thiết với những người có chức vụ, quyền hạn trong công tác tuyển dụng cán bộ trong tỉnh Lạng Sơn và có thể lo “chạy” việc, “chạy” trường cho những ai có nhu cầu. Để đảm bảo cho việc lừa đảo đó, Phóng còn hứa hẹn là sẽ đảm bảo 100%, nếu không thực hiện như cam kết thì sẽ trả lại tiền.

     Bằng “năng khiếu” lừa đó, không ít người nhẹ dạ cả tin đã đem hết tiền của giao cho bọn chúng để rồi phải ngậm quả đắng khi biết mình bị lừa.

     Điểm mặt những “siêu lừa”

     Khoảng đầu năm 2011, Cam Văn Trường gặp bạn là anh Nông Quốc Toàn. Trong khi nói chuyện, Trường nói quen biết Triệu Văn Phóng có thể xin việc làm nếu Toàn muốn xin vào làm công chức, viên chức nhà nước thì Trường giới thiệu gặp Phóng sau đó Trường cho Toàn số điện thoại của Phóng để liên lạc. Sau đó, anh Toàn gọi điện cho Triệu Văn Phóng hỏi xin việc làm cho em gái, qua trao đổi Phóng nhận lời giúp anh Toàn. Phóng bàn bạc với vợ là Đinh Thị Bạch sẽ lừa tiền của Toàn để làm vốn đi buôn bán sau một thời gian có lãi sẽ hoàn trả, phải tạo lòng tin để Toàn đưa tiền, Bạch nhất trí. Khoảng đầu tháng 5/2011, hai vợ chồng Phóng, Bạch mua 02 bộ hồ sơ và đi vào huyện Lộc Bình tìm gặp Toàn để bàn bạc xin việc  nhưng do thỏa thuận chi phí xin việc nên hai bên chưa thống nhất được.

     Cuối tháng 9/2011, Triệu Văn Phóng điện thoại cho anh Nông Quốc Toàn nói huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đang có chỉ tiêu tuyển người vào làm kế toán Trường học, nếu muốn xin vào làm thì nộp hồ sơ và chi phí cho xin việc là 35.000.000đ (ba mươi lăm triệu đồng). Thấy Phóng nói vậy, anh Toàn nhờ Phóng xin việc cho người em họ là Hoàng Thị D, Phóng nhận lời và đề nghị Toàn đưa trước cho Phóng số tiền là 5.000.000đ để lo “thủ tục”. Ngày 14/01/2012, Triệu Văn Phóng tiếp tục điện thoại cho anh Toàn viện lý do phải nộp số tiền 30.000.000đ còn lại thì Hoàng Thị D mới có quyết định đi làm. Thấy Phóng nói vậy, gia đình chị D chạy vạy vay mượn đưa đủ 30.000.000đ  cho Phóng.

     Đầu tháng 11/2011, hai vợ chồng Phóng, Bạch ra thành phố Lạng Sơn thuê nhà để ở. Lúc này, anh Toàn gọi điện cho Triệu Văn Phóng hỏi tìm cách xin việc làm cho bản thân, Phóng nói: “Hiện có một xuất làm việc ở Trạm bảo vệ thực vật huyện Cao Lộc và chi phí cho xin việc là 60.000.000đ.” Toàn nhất trí, ngày 26/11/2011 Toàn đưa cho hai vợ chồng Phóng, Bạch hồ sơ xin việc và số tiền 40.000.000đ, thỏa thuận khi nào có quyết định đi làm thì đưa nốt số tiền còn lại.

     Đầu tháng 12/2011, Triệu Văn Phóng điện thoại nói cho Nông Quốc Toàn biết: “hiện trường Chính trị huyện Cao Lộc đang thiếu một kế toán, nếu ai cần xin vào làm thì sẽ giúp đỡ” và chi phí cho xin việc là 60.000.000đ, Toàn đã nhờ Phóng xin cho bạn là anh Hà Tô Hiệu (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) và sau đó, anh Toàn đưa cho hai vợ chồng Phóng, Bạch hồ sơ xin việc và số tiền là 40.000.000đ. Sau khi nhận tiền, Phóng viết vào tờ giấy viết tay xác nhận đã nhận tiền và hứa với anh Hiệu là sẽ lo thủ tục để được nhận Quyết định đi làm sớm đồng thời thỏa thuận khi nào có quyết định đi làm thì đưa nốt số tiền còn lại.

Tổng số tiền anh Nông Quốc Toàn đưa cho Triệu Văn Phóng và Đinh Thị Bạch là 115.000.000đ (trong đó Đinh Thị Bạch chi tiêu cá nhân hết 12.000.000đ) số tiền còn lại Triệu Văn Phóng đem đi buôn bán và chi tiêu cá nhân hết.

Sau một thời gian thấy mình và mọi người chưa được đi làm. Anh Nông Quốc Toàn tìm gặp hai vợ chồng Phóng, Bạch để đòi lại tiền nhưng không được. Ngày 26/6/2012, anh Toàn đã làm đơn gửi đến Công an thành phố Lạng Sơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Triệu Văn Phóng và Đinh Thị Bạch. Cũng với thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2011 đến tháng 2/2012, hai vợ chồng Phóng, Bạch đã liên tiếp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số người trên địa bàn huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Quan đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

     Cần nêu cao cảnh giác

     Qua các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo “chạy” việc, “chạy” trường của các đối tượng đều hết sức đơn giản nhưng lại qua mặt được rất nhiều người bởi các đối tượng nắm được tâm lý của một bộ phận người dân là mong muốn cho con em mình có một nơi làm việc, học tập tốt. Với suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, không ít người đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi hoặc bán tài sản hoặc thầm chí cầm cố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay mượn để đưa tiền cho các đối tượng và  rồi chờ đỏ mắt ngày này qua tháng nọ mà việc thì chẳng thấy đâu. Hầu hết các đối tượng lừa đảo dạng này khi bị bắt đều khai nhận rằng: họ chỉ biết lừa tiền của người dân rồi sau đó chia nhau tiêu xài, còn hồ sơ của các nạn nhân xin “chạy” việc thì các đối tượng đem… cất, bởi thật sự bản thân không quen biết ai và cũng không biết cơ quan nào có nhu cầu tuyển dụng. Tất cả đều do các đối tượng “vẽ” ra để bịp người dân.

Qua phiên tòa này, các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “cò” chạy việc”, “chạy trường” đã phải nhận những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Để hạn chế tình trạng trên thì người dân cần nêu cao cảnh giác, khi có nhu cầu tìm việc thì phải đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu thông tin, đồng thời các cơ quan cũng cần phải công khai các chỉ tiêu tuyển dụng, có như vậy mới tránh được tình trạng “chạy” việc và các đối tượng lừa đảo theo dạng “cò” cũng hết đất sống. Mặt khác, người dân cần nêu cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm và không vi phạm pháp luật.

Hà Văn Tiến - VKSND TP Lạng Sơn

3161 Lượt đã xem