Thứ tư, 08 Tháng 12 2021 16:58

Chi hội Luật gia Viện kiểm sát nhân dân thành phố Lạng Sơn và Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề

      Vừa qua, Chi hội Luật gia Viện kiểm sát nhân dân thành phố Lạng Sơn và Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 - Thực tiễn áp dụng giải quyết trong công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố”. Dự buổi sinh hoạt có các hội viên Chi hội Luật gia của hai đơn vị.

Đồng chí Lâm Thị Lệ Hằng - Viện trưởng VKSND thành phố Lạng Sơn phát biểu tải buổi sinh hoạt

      Tại buổi sinh hoạt, qua hơn 03 năm triển khai áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử án hình sự trên địa bàn và trên cơ sở thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Viện kiểm sát nhân thành phố Lạng Sơn đã đưa ra khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn như:

      - Căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với các trường hợp như vụ việc Cố ý gây thương tích, bị hại, người bị tố giác không có mặt tại địa phương hoặc vì những lý do khác chưa thể tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật để xác định căn cứ khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra không thể triệu tập được người tố giác, người bị tố giác thì có thể tạm đình chỉ không?

      - Đối với những tin báo, tố giác khi tiếp nhận, xác minh ban đầu thấy dấu hiệu thuộc thẩm quyền xác minh của Cơ quan điều tra cấp tỉnh. Để có căn cứ xác định chính xác thẩm quyền điều tra cần thực hiện một số hoạt động điều tra như: lấy lời khai người liên quan có yếu tố nước ngoài…, tuy nhiên Cơ quan điều tra cấp huyện không đủ thẩm quyền để thực hiện.

      - Quá trình kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chưa có quy định trong quá trình điều tra, xác minh CQĐT thu thập được chứng cứ, tài liệu phải kịp thời trao đổi hoặc chuyển toàn bộ các chứng cứ, tài liệu cho Kiểm sát viên để kiểm sát việc giải quyết, dẫn đến sau khi nhận được hồ sơ giải quyết tin báo, khi phát hiện ra những vi phạm trong quá trình điều tra, xác minh (nếu có) cũng khó có thể khắc phục (vật chứng không được thu giữ kịp thời, các dấu vết tại hiện trường không được phản ánh đầy đủ...).

      - Kiểm sát viên phối hợp với Cơ quan điều tra để tham gia lấy lời khai, đánh giá chứng cứ ngay từ giai đoạn tiền tố tụng, tuy nhiên, trong công tác này còn gặp khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý của Kiểm sát viên khi tham gia lấy lời khai đối tượng. Trong giai đoạn này, Kiểm sát viên chưa được phân công thể hiện trong hồ sơ và trong biên bản ghi lời khai của Cơ quan điều tra không có mục ký tên của Kiểm sát viên, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện.

      - Về công tác giám định, định giá: Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng tài sản không thu hồi được. Lời khai của bị can và bị hại còn mâu thuẫn về số tài sản và giá trị của tài sản bị chiếm đoạt. Bị hại cũng không cung cấp được các hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của tài sản bị mất dẫn đến cơ quan định giá không thể thực hiện định giá tài sản do đó không có căn cứ để xác định giá trị tài sản.

Đồng chí Trịnh Ngọc Chính - Viện trưởng VKSND huyện Cao Lộc phát biểu tải buổi sinh hoạt

      Đồng thời Viện kiểm sát nhân thành phố Lạng Sơn trình bày về thực tiễn việc áp dụng, thi hành và giải quyết một số vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm để trao đổi trong buổi sinh hoạt. Các hội viên trong Chi hội đã tích cực thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, nhận thức pháp luật cũng như những giải pháp hữu ích khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại đơn vị mình.

Kiểm sát viên trao đổi tại buổi sinh hoạt

      Quá trình thảo luận, các hội viên của hai Chi hội Luật gia đều đánh giá cao giá trị, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với những Bộ luật trước đó, tuy nhiên sau hơn 03 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc trong thực tế nhận thức và áp dụng thống nhất, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định mới, phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo tính hiệu quả, thực chất hơn nữa.

Nguyễn Phương Anh - VKSND TP Lạng Sơn

847 Lượt đã xem