Thứ năm, 23 Tháng 4 2015 14:21

Những vấn đề rút kinh nghiệm từ bản án hình sự phúc thẩm

     Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Lê Thùy P và Hà Duy Đ, phạm tội Cố ý gây thương tích, cấp phúc thẩm xử sửa bản án sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn rút kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự và công tác kiểm sát bản án. Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trích đăng nội dung thông báo để bạn đọc tham khảo.

     Nội dung vụ án như sau: Do có mâu thuẫn trọng việc làm ăn nên Vũ Anh T, nhờ Lê Thùy P đưa người từ Hải Phòng lên Lạng Sơn để đánh cảnh cáo anh H. Ngày 17/8/2012 Lê Thùy P rủ Lương Đăng T, Đ và D từ Hải Phòng lên. Khi gặp nhau T đặt vấn đề đánh anh H, thì Đ và D không đồng ý tham gia nên bỏ về, P và Lương Đăng T cũng về, chưa thực hiện việc đánh anh H được. Đến ngày 25/8/2012 P lại tiếp tục rủ Lương Đăng T, Phạm Văn C, Hà Duy Đ từ Hải Phòng lên gặp T, T lại tiếp tục đặt vấn đề đánh dằn mặt anh H, Trong khi bàn bạc cả nhóm thống nhất dùng dao để gây thương tích cho anh H.

     Đến tối ngày 27/8/2012 Lê Thùy P điều khiển xe mô tô từ nhà trọ của T đi thì phát hiện thấy anh H đi xe mô tô. Cả bọn cùng nhau đi theo để tìm cơ hội đánh anh H. Khi gặp P do có quen biết nhau từ trước nên anh H dừng xe gọi P nhưng P cố tình quay mặt đi và bảo Lương Đăng T, Phạm Văn C, Hà Duy Đ đánh anh H. Lương Đăng T rút dao nhọn từ trong túi quần ra đâm hai nhát trúng vào cổ tay và cánh tay phải anh H, anh H nhảy ra khỏi xe bỏ chạy, T, C, Đ vẫn đuổi theo thì anh H vấp ngã. Khi anh H đang bò dậy thì T đuổi kịp, tay vẫn cầm dao nhọn đâm hai nhát: một nhát trúng vào mông xuyên lên hậu môn và một nhát vào đùi phải anh H, C, Đ cùng đuổi nhưng không cầm hung khí, thấy anh H bị chảy máu cả bọn không đuổi nữa. Hậu quả anh H bị thương tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 60%. Đến 28/8/2012 Vũ Anh T đưa cho Lê Thùy P 3.000.000đồng để đưa cả bọn về Hải Phòng trốn. Đối với Vũ Anh T, Lương Đăng T, Phạm Văn C đã bị truy tố, xét xử. Còn Lê Thùy P, Hà Văn Đ bỏ trốn, sau đó bị truy nã, đến ngày 12/4/2014 và ngày 21/7/2014 P và Đ đến Công an đầu thú.

   Bản án sơ thẩm đã áp dụng Khoản 2 Điều 104; Điểm b, p Khoản 1 Điều 46; Điều 47, Điểm e Khoản 1 Điều 48, Điều 53 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Lê Thùy P 02 năm 06 tháng tù giam; Bị cáo Hà Duy Đ 02 năm tù giam. Trong thời hạn luật định, cả hai bị cáo đều kháng cáo xin được hưởng án treo.

     Cấp phúc thẩm đã xét xử và quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lê Thùy P, Hà Duy Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt tù; sửa một phần bản án sơ thẩm về điều luật áp dụng.

     Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

     Về việc áp dụng pháp luật: các bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích đối với người bị hại với tỷ lệ thương tật 60% nên Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Lẽ ra Hội đồng xét xử phải áp dụng Khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự, nếu trong trường hợp đủ điều kiện thì Hội đồng xét xử có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng đó không phải là căn cứ để chuyển khung, khoản đối với các bị cáo. Do đó bản án sơ thẩm áp dụng Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là không đúng quy định của pháp luật.

     Sau khi sự việc xảy ra Vũ Anh T đã bồi thường toàn bộ cho người bị hại. Các bị cáo Lê Thùy P, Hà Duy Đ không tự nguyện bồi thường và cũng không tác động người khác bồi thường cho người bị hại. Do đó cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 cho tất cả các bị cáo là không đúng quy định.

     Các bị cáo phạm tội có tổ chức nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên đã kiến nghị vì đây là sai sót, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm và nêu rõ trong bản án được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cấp sơ thẩm chưa xem xét và cũng không bị kháng cáo, kháng nghị về nội dung này. Do đó cấp phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét, áp dụng.

     Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, anh Hoàng Quang Hiệp có đơn xin bãi nại, đề nghị giảm nhẹ cho các bị cáo; các bị cáo sau một thời gian trốn tránh đã ra đầu thú. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, bản án sơ thẩm nhận định về các tình tiết này nhưng phần quyết định không áp dụng đối với các bị cáo.

     Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án. Nếu phát hiện Hội đống xét xử áp dụng Điểm, Khoản, Điều khác quyết định truy tố và không đúng quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát cần kháng nghị để bảo vệ quan điểm truy tố, đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.

Trần Hồng – Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn 

3193 Lượt đã xem