Thứ sáu, 01 Tháng 2 2013 10:00

Quá trình xây dựng và phát triển Ngành kiểm sát nhân dân Lạng Sơn

    I. Giới thiệu chung về tỉnh Lạng Sơn

    Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút của đầu mối lưu kinh tế với các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới, có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế, thương mại, khoa học – công nghệ với các tỉnh trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác…

    Địa hình của tỉnh chủ yếu là rừng núi. Hệ thống sông suối tương đối dày đặc đã tạo nên những cánh đồng thung lũng màu mỡ thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Khí hậu ôn hòa mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm 21,5oC.

    Diện tích: 8.331,2 km².

    Dân số: 731.887 người (01/4/2009).

    Tỉnh lỵ: Thành phố Lạng Sơn.

    Các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.

    Dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, H Mông, Sán Chay, Hoa

    II. Quá trình xây dụng và phát triển Ngành kiểm sát Lạng Sơn

    Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam. Đây là bước phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ quan tư pháp của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

    Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn là một đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, sự ra đời và trưởng thành luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân. Trong hơn 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban, Ngành chức năng của tỉnh, cùng với sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Lạng Sơn không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân. Với những kết quả của các lĩnh vực công tác kiểm sát, ngành kiểm sát nói chung và Viện kiểm sát Lạng Sơn nói riêng đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

    Từ năm 1960 đến trước năm 2002, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội Ngành kiểm sát Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát hiện và xử lý, kháng nghị, kiến nghị khắc phục vi các vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh đảm bảo pháp chế được thực hiện thống nhất góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng tỉnh Lạng Sơn.

    Từ năm 2002 đến nay, Ngành kiểm sát Lạng Sơn đã tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; giải quyết những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đúng quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát tỉnh cũng tăng cường hoạt động trong các lĩnh vực công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án dân sự, hình sự, thông qua đó phát hiện nhiều vi phạm, tồn tại của các cơ quan chức năng, đã ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của.

    Về tổ chức bộ máy: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành qua từng giai đoạn. Ngày mới thành lập, tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát Lạng Sơn còn gọn nhẹ, năm 1960 khi mới thành lập ngành mới có 36 cán bộ, chưa có các phòng nghiệp vụ mà chỉ có các bộ phận công tác và 11 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đến nay đã có 11 phòng và 11 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, với tổng số cán bộ, công chức là 173 người với 83,81% cán bộ làm nghiệp vụ Kiểm sát có trình độ Cử nhân Luật trở lên; 21,38% đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; trình độ ngoại ngữ, tin học đạt 71,67%.

    Về cơ sở vật chất: Được sự quan tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có trụ sở làm việc 7 tầng khang trang, hiện đại tại số 5 đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng. Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân các huyện cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo; trang thiết bị làm việc của cán bộ công chức được trang bị tương đối đầy đủ phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ.

    Với những thành tích đạt được qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn rất vinh dự và tự hào vì đã đóng góp được một phần vào sự nghiệp bảo vệ pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 3 lần tặng cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen, năm 2008 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc; nhiều tập thể đơn vị và cá nhân ở Viện Kiểm sát hai cấp được tặng các danh hiệu thi đua của Ngành và của Chính phủ.

    Phát huy những thành tích đạt được trong 50 năm qua, toàn thể cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Lạng Sơn tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và cuộc vận động của toàn ngành xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước công cuộc đổi mới của đất nước, phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để góp phần thiết thực vào việc xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.  

5111 Lượt đã xem