Thứ ba, 21 Tháng 7 2015 14:57

Kỷ niệm một lần làm án

   Trải qua hơn hai mươi năm công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, có nhiều sự kiện đáng nhớ trong công việc. Song có những giọt nước mắt tuy muộn mằn của những bị can, bị cáo luôn đọng lại trong tâm trí tôi. Nhớ lại cách đây đã hơn mười năm, lúc đó khoảng 16 giờ được lãnh đạo phân công phối hợp với Công an làm nhiệm vụ. về sự kiện bắt quả tang một đối tượng nữ có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Việc lập biên bản bắt quả tang và các thủ tục được tiến hành theo quy định, đối tượng chấp hành. Sau khi về đến trụ sở Công an tiến hành cân số ma túy đã thu giữ của đối tượng, lấy lời khai, ra quyết định tạm giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì lập tức đối tượng không khai, không ký và tuyệt thực không ăn cơm và phát ngôn nói đòi tự sát. Mặc dù được các cán bộ, Điều tra viên trực tiếp giải thích nhưng đối tượng vẫn tỏ ra lỳ lợm, bất cần. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu hồ sơ tôi được đồng chí thủ trưởng CQCSĐT đưa đến buồng tạm giữ đối tượng, đồng chí thủ trưởng CQCSĐT giới thiệu tôi là Kiểm sát viên của Viện kiểm sát đến để kiểm sát hoạt động của cơ quan điều tra, nhưng đối tượng không có phản ứng gì. Trước khi vào làm việc tôi đề nghị đồng chí Thủ trưởng CQCSĐT để tôi nói chuyện với đối tượng, tôi ngồi đối diện và giải thích quyền được nhận các quyết định của CQCSĐT như lệnh tạm giữ, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để biết mình bị bắt và khởi tố về tội gì… Viện kiểm sát với chức năng, nhiệm vụ sẽ kiểm sát toàn bộ hoạt động điều tra của CQCSĐT. Nếu có dấu hiệu oan, sai sẽ được làm rõ… Sau khi nghe tôi phân tích bị can ngẩng lên nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ rồi hỏi tôi rất nhiều, tôi và bị can nói chuyện khá lâu, nét mặt bị can thay đổi và hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ và dường như già hơn nhiều so với tuổi tác của bị can, rồi bị can kéo nắm tay tôi và òa khóc như một đứa trẻ rồi nói trong tiếng nấc “đội ơn cán bộ nhiều”, “ em hứa sẽ thành khẩn khai báo hết mọi tội lỗi của mình, em vẫn còn cơ hội để về với con em, chồng em chết rồi và em còn có cả mẹ già nữa”…

   Tiễn tôi ra tận cổng, đồng chí Thủ trưởng CQCSĐT bắt chặt tay tôi và nói đùa “Vai trò của Kiểm sát viên quan trọng thật” chỉ cần vài phút thế mà anh em chúng tôi xoay sở từ sáng đến giờ không còn cách nào thuyết phục bị can.

   Sau này khi tiến hành trực tiếp Kiểm sát Nhà tạm giữ, trong báo cáo đồng chí Trưởng nhà tạm giữ cũng nêu rõ bị can là một trong những người gương mẫu thực hiện tốt nội quy Nhà tạm giữ, được xét tăng số lần gặp gỡ thân nhân và tăng gấp đôi số lần được gửi và nhận thư, nhận quà.

    Tại phiên tòa sơ thẩm trong lời nói sau cùng bị cáo hứa cải tạo thật tốt để tiếp tục nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm về chăm sóc mẹ già và tiếp tục là chỗ dựa cho các con, chỉ xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được quay mặt xin lỗi mẹ và con bị cáo cũng có mặt tại phiên tòa và mong họ hiểu, thông cảm để có cơ hội sửa chữa sai lầm, mở rộng tấm lòng tha thứ để khi chị cải tạo xong trở về với gia đình. Với những gì chị hứa và những việc chị đã làm trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ. Tôi tin rằng chị sẽ cải tạo tốt và sau khi chấp hành xong án phạt tù chị sẽ là một công dân có ích cho xã hội, là người con, người mẹ tốt trong gia đình.

   Đến nay, sau hơn 20 năm công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân tôi luôn tự nhủ rằng phải học hỏi, rèn luyện bản thân, bản lĩnh để làm tốt công việc của mình, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ : "Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn". Khi được phân công nhiệm vụ, phải nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để giải quyết tốt mọi nhiệm vụ được giao, không ảnh hưởng đến uy tín của Ngành, nhất là không phụ lòng tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát nhân dân. Tôi luôn tự hào và phấn đấu xứng đáng với truyền thống 55 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân./.

Trần Hồng - Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn  

6020 Lượt đã xem