Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 09:04

Ngành Kiểm sát Lạng Sơn- 55 năm xây dựng và trưởng thành

Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân xuất phát từ nhu cầu khách quan của việc xây dựng bộ máy Nhà nước Xã hội chủ nghĩa và yêu cầu của việc tăng cường Pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) đã đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: "ra sức củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước".

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (ngày 02/09/1945), cơ quan công tố cũng được thành lập. Hệ thống Viện Công tố thành lập năm 1958 với chức năng chủ yếu là đưa người phạm tội ra tòa xét xử và thực hiện một số hoạt động giám sát việc điều tra, truy tố, xét xử, giam giữ, cải tạo. Là bộ phận của cơ quan hành chính, tổ chức và hoạt động của Viện Công tố đến thời điểm này không còn thích hợp với sự phát triển của cách mạng và không thể đảm bảo những yêu cầu mới về việc thiết lập, củng cố nền Pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Trước nhu cầu của cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, Hiến pháp năm 1959 (được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959) lần đầu tiên quy định về chế định Viện Kiểm sát nhân dân (từ điều 105 đến 108).Ngày 15/7/1960, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ Nhất đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn là đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, sự ra đời và trưởng thành luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân. Sau khi Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960 có hiệu lực, đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 01/QĐ ngày 31/12/1960 thành lập Viện Kiểm sát nhân dân địa phương các cấp và bãi bỏ cấp Viện Công tố địa phương. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn được tách ra từ phòng Công tố nằm trong Tòa án nhân dân tỉnh, gồm 02 Công tố Ủy viên (ông Nguyễn Đức Lương và ông Đoàn Tỉnh), theo quyết định này, ông Nguyễn Đức Lương lúc đó là Công tố Ủy viên được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giao tạm quyền là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (từ tháng 02/1960 đến tháng 5/1960). Sau đó ông Trương Văn Thịnh (tức Trương Quốc Sỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nông nghiệp tỉnh) được phân công kiêm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa V đã ra Nghị quyết về việc cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính, bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng thời phê chuẩn việc hợp nhất một số tỉnh, trong đó: tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành một tỉnh mới, tỉnh Cao Lạng. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn hợp nhất Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng thành Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Lạng, trụ sở đặt tại thị xã Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Minh Một được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Lạng.

Từ năm 1978, tình hình biên giới Việt - Trung có những diễn biến phức tạp, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa VI, ngày 29/12/1978, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó: Lạng Sơn được tách từ tỉnh Cao Lạng, huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh được sáp nhập về tỉnh Lạng Sơn. Tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn gồm 11 Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và các bộ phận nghiệp vụ Viện tỉnh.

Từ đó đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn không ngừng được củng cố, hoàn thiện về tổ chức bộ máy và nỗ lực phấn đấu thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Ngay sau khi thành lập, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn vừa phải chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức, vừa triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, phục vụ các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao và Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết số 68/NQ/TW, ngày 01/02/1963 của Bộ Chính trị về công tác kiểm sát, hoạt động kiểm sát những năm 60 đã tích cực thực hiện chức năng nhiệm vụ là kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ được giữ vững, nhằm phục vụ các mục tiêu: bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với nhiệm vụ góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tập trung vào việc đấu tranh chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các hoạt động tội phạm nguy hiểm khác; phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm khắc các tội phạm về gián điệp, hoạt động biệt kích, gây bạo loạn và các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng. Quán triệt các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tham ô, lãng phí của công, hoạt động kiểm sát đã hướng vào các cơ sở quốc doanh, cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, các xí nghiệp và nông trường quốc doanh. Cùng với việc xử lý một số trường hợp làm trái các chế độ chính sách của Nhà nước, tham ô, trộm cắp tài sản của hợp tác xã, lạm quyền.v.v. Viện Kiểm sát đã báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền về tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xí nghiệp và nông trường quốc doanh, phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất mới.

Từ năm 1965 đến năm 1972, miền Bắc phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phải chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn của cả nước. Trước tình hình đó, hoạt động kiểm sát tập trung phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận: sản xuất và chiến đấu nhằm đảm bảo sức chiến đấu của quân đội và đời sống nhân dân. Thời kỳ này, tỉnh Lạng Sơn là điểm tập trung tiếp nhận hàng hóa do các nước anh em và bạn bè quốc tế viện trợ để chuyển đi các nơi, nên đế quốc Mỹ đã dùng lực lượng không quân đánh phá rất ác liệt hòng ngăn ngặn, hạn chế hàng viện trợ của nước ngoài phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Công tác kiểm sát của Viện kiểm sát hai cấp lúc này đã tập trung vào bảo vệ tài sản Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vật tư quốc phòng; đấu tranh chống các hành vi trộm cắp; tham ô hoặc lợi dụng chức vụ để cố ý làm trái chế độ chính sách của Nhà nước; đặc biệt là khâu giao nhận và vận chuyển hàng hóa; những hành vi lợi dụng khai tăng số thiệt hại để rút tài sản của Nhà nước. Ở nhiều địa bàn huyện, thị xã, khi địch bắn phá, Kiểm sát viên đã có mặt kịp thời ở hiện trường để giám sát việc xác định thiệt hại về tài sản, phòng ngừa việc phạm pháp. Viện kiểm sát hai cấp đã truy tố, phối hợp với Tòa án xét xử một số vụ án điển hình, trừng trị nghiêm khắc, kịp thời các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vật tư quốc phòng, quân trang, lương thực, đầu cơ, buôn lậu, làm tem phiếu giả, móc ngoặc trong phân phối hàng hóa, vật tư sai chế độ, chính sách làm ảnh hưởng đến sức chiến đấu của quân đội và đời sống của nhân dân. Đồng thời thông qua hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát hai cấp đã phát động quần chúng nhân dân bảo vệ hàng hóa, vật tư do các nước Xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ không đủ kho chứa phải để ngoài trời; kiến nghị với cơ quan hữu quan khắc phục thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý. Sau khi có Nghị quyết số 228 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực, làm ăn phi pháp, ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã kịp thời phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch tập trung để tiến hành công tác kiểm sát với phương châm: kết hợp chặt chẽ giữa chống với phòng, chống với xây, lấy xây làm mục đích, đồng thời chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành các văn bản pháp quy của cơ quan Nhà nước cùng cấp, ban hành nhiều văn bản kiến nghị, kháng nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục các văn bản vi phạm pháp luật. Qua kiểm sát đã báo cáo cấp có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý sản xuất nông nghiệp, xí nghiệp và công trường quốc doanh, xử lý kịp thời những hành vi như tham ô, trộm cắp tài sản của hợp tác xã, lạm quyền, cố ý làm trái.v.v, phục vụ tốt cho chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất mới. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Viện kiểm sát thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành chính sách hậu phương, quân đội, kịp thời giải quyết các vụ xâm phạm trật tự trị an ở các vùng đế quốc Mỹ đánh phá và các vụ án hình sự, dân sự, ly hôn liên quan đến quân nhân tại ngũ và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.

Năm 1975, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ mới: cả nước cùng đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong 15 năm (1960 -1975), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt chức năng kiểm sát phục vụ tích cực hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong 15 năm xây dựng và trưởng thành, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp ở tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ không chỉ thể hiện ở những kết quả phục vụ công tác trung tâm của Đảng, của Nhà nước, của địa phương mà hoạt động kiểm sát đã nâng cao hiệu quả về chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của Ngành, vận dụng, kết hợp đồng bộ các phương thức kiểm sát, góp phần vào việc tăng cường kỷ cương xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân và phát huy tác dụng của pháp luật một cách đồng bộ trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thời kỳ từ năm 1976 đến năm 1986: Đất nước đã thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Ba mươi năm chiến tranh và những tàn dư của chế độ cũ đã để lại trên đất nước ta nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội, sản xuất thấp kém, đời sống khó khăn, tệ nạn xã hội. Mặt khác, bọn phản động trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài điên cuồng chống phá cách mạng. Việc quản lý kinh tế, xã hội còn lỏng lẻo, sơ hở. Những nhân tố tiêu cực đó đã làm cho tình hình tội phạm càng thêm phức tạp và nghiêm trọng. Tình hình đó đặt ra cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm những yêu cầu mới cần phải được giải quyết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, bảo vệ Pháp chế Xã hội chủ nghĩa.

Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) đã đề ra đường lối cách mạng Xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đại hội toàn quốc lần thứ V (1982) đã cụ thể hóa đường lối chung và xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm 80 nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Chuyển sang thời kỳ mới, ngành Kiểm sát có những bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. Hiến pháp năm 1980 xác định nguyên tắc Pháp chế Xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lý Nhà nước. Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (năm 1981) một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong việc bảo đảm pháp chế được thực hiện thống nhất trong cả nước. Chức năng, nhiệm vụ công tác của ngành Kiểm sát được xác định rõ hơn trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Thời kỳ này, tỉnh Lạng Sơn được hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng theo Nghị quyết ngày 27/12/1975 của Quốc hội. Đến ngày 29/12/1978, Quốc hội ra nghị quyết phân vạch lại địa giới hành chính của một số địa phương, theo đó tỉnh Cao Lạng được tách thành tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Khắc phục những khó khăn trong việc chia tách và sáp nhập địa giới hành chính và khắc phục hậu quả của chiến tranh biên giới, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã cố gắng ổn định tổ chức, sắp xếp cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành.

Quán triệt và thực hiện các nghị quyết Đại hội IV (năm 1976) và Nghị quyết Đại hội V (năm 1982) của Đảng; thực hiện Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1981, các Chỉ thị công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã hướng công tác kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội do Đảng đã đề ra; chú ý nắm vững đường lối, quan điểm pháp chế Xã hội chủ nghĩa, phục vụ việc lập lại trật tự quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa nhất là trong lĩnh vực phân phối lưu thông, đấu tranh chống các hoạt động vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa như tham ô, trộm cắp tài sản Nhà nước, cố ý làm trái chế độ, chính sách của Nhà nước; các đối tượng đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và nhất là các tội phạm xảy ra thời kỳ chiến tranh biên giới và thời kỳ đầu mở cửa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Để đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã tăng cường kiểm sát trong lĩnh vực điều tra tội phạm, tăng cường kiểm sát trong thực hiện chính sách bắt, giam, giữ và tập trung cải tạo; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng trong giải quyết các quan hệ dân sự, lao động, trong kiểm tra hành chính, tập trung cải tạo lao động. Thông qua công tác kiểm sát đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị, kháng nghị với cơ quan hữu quan có vi phạm đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Với chức năng, nhiệm vụ của ngành được quy định trong Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1981, thực hiện chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đổi mới nội dung và phương thức công tác kiểm sát theo quy chế, quy định, đảm bảo sự tập trung lãnh đạo thống nhất trong Ngành. Mối quan hệ giữa Viện Kiểm sát nhân dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật được tăng cường, từng bước mở rộng quan hệ với một số ngành hữu quan khác trong lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội được cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm, ủng hộ.

Trong thời kỳ này, ngành Kiểm sát Lạng Sơn thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt công tác. Công tác xây dựng Ngành được quan tâm, tổ chức bộ máy được kiện toàn, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, về lý luận chính trị được quan tâm, do đó chất lượng công tác được nâng lên, những thiếu sót, yếu kém trong công tác dần được khắc phục; sự phối hợp trong và với các ngành hữu quan được thực hiện tốt hơn, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm, góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ năm 1986 đến năm 2002: Quán triệt những quan điểm đổi mới của Đảng được đề cập trong các Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX và các Nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội và của Tỉnh ủy Lạng Sơn, chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành, tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đạt được những kết quả tích cực.

Trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính, kinh tế, xã hội, Viện Kiểm sát hai cấp đã tập trung phục vụ thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn; phối hợp đồng bộ các biện pháp như yêu cầu tự kiểm tra, tự thanh tra và trực tiếp kiểm sát, đã tiến hành kiểm sát hàng trăm lượt cơ quan quản lý kinh tế của ngành Nội thương, Ngoại thương, Nông nghiệp, Y tế, Giao thông vận tải, tài chính. Đã có nhiều báo cáo cấp Ủy tăng cường công tác lãnh đạo; ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành hữu quan, góp phần củng cố pháp chế và trật tự pháp luật nhằm phòng ngừa vi phạm, phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước ở địa phương. Vận dụng nhiều phương thức kiểm sát, tăng cường phối hợp với cơ quan hữu quan nên chất lượng công tác kiểm sát đã đạt chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Qua kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật, đã phát hiện và kiến nghị, kháng nghị hàng trăm văn bản có vi phạm và đề nghị mở hội nghị rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2002, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Nghị quyết số 51/2001/QH10, ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, theo đó chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã giải thể phòng Kiểm sát chung và điều động cán bộ làm công tác này sang các bộ phận công tác khác. Thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH1, ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp (Chỉ thị số 53-CT/TW, ngày 21/3/2000, Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02/01/2002; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị). Hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát hai cấp có những tiến bộ đáng kể, nhất là trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Ngành Kiểm sát Lạng Sơn có nhiều biện pháp đổi mới để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Công tác thực hành quyền công tố được tiến hành trong suốt quá trình điều tra, ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nên chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được nâng lên. Viện kiểm sát hai cấp đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, của Ngành về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra" “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa". Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm; chủ động ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết và thi hành án hình sự; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm; nhiều vụ án lớn, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, góp phần ổn định và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng công tác giải quyết án hình sự được nâng lên, hầu hết các vụ án được giải quyết trong thời hạn luật định.

 Theo số liệu thống kê từ năm 2002 đến tháng 4/2015, cho thấy số lượng vụ án Viện Kiểm sát thụ lý thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử tăng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ bắt giữ xử lý về hình sự hằng năm đạt trên 97%; Viện Kiểm sát thụ lý kiểm sát điều tra 8.302 vụ 13.468 bị can; quyết định truy tố 7.923 vụ 12.837 bị can trên tổng số 8.023 vụ 13.022 bị can phải giải quyết. Giảm đáng kể các trường hợp khởi tố, điều tra sau phải đình chỉ do không có hành vi phạm tội.

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử coi đây là khâu đột phá của hoạt động cải cách tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động ngay từ khâu kiểm sát điều tra, nghiên cứu, nắm chắc chứng cứ, chuẩn bị luận tội, đề cương tham gia thẩm vấn tại phiên tòa, chủ động tranh tụng để làm rõ sự thật vụ án; có những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trong đó trọng tâm là nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Phối hợp với Tòa án hai cấp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hành quyền công tố tại 7.840 phiên tòa sơ thẩm, 1.136 phiên tòa phúc thẩm; 14 phiên tòa giám đốc thẩm. Số lượng án thụ lý kiểm sát xét xử tăng qua các năm, nhất là đối với Viện Kiểm sát cấp huyện khi thực hiện tăng thẩm quyền.Viện kiểm sát hai cấp đã có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật,

Song song với công tác thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát hai cấp đã chú trọng thực hiện quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị, đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giam giữ, cải tạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành chức năng về biện pháp phòng ngừa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương, Viện kiểm sát đã xây dựng Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh với Văn phòng Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát tỉnh với Công an tỉnh, Tòa án tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.

Công tác xây dựng Ngành: Ngay từ khi mới thành lập, ngành Kiểm sát Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cấp Ủy địa phương, tổ chức bộ máy ngày càng được kiện toàn, củng cố, bổ sung qua các giai đoạn. Ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã chú trọng công tác xây dựng Ngành về mọi mặt nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững vàng về lập trường tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức lối sống. Công tác xây dựng Ngành luôn gắn với công tác xây dựng Đảng ở từng đơn vị; hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành luôn được đổi mới. Ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng để bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ và điều động, luân chuyển cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Năm 1960 khi mới thành lập Ngành mới có 36 cán bộ, đến năm 1975 có 46 cán bộ. Tổ chức bộ máy gồm các tổ nghiệp vụ ở cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã. Thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát năm 1981, ngành Kiểm sát Lạng Sơn có 83 biên chế, tổ chức bộ máy ở cấp tỉnh được sắp xếp thành 7 phòng theo 3 khối: khối Hình sự, khối Kiểm sát chung và khối Văn phòng. Đến nay, ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã hoàn thiện tổ chức bộ máy: gồm 11 phòng thuộc Viện tỉnh và 11 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, với tổng biên chế 189 cán bộ, có 124 kiểm sát viên (46 Kiểm sát viên Trung cấp, 78 Kiểm sát viên Sơ cấp), 16 Kiểm tra viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được chú trọng, hằng năm, cử cán bộ theo học các lớp đào tạo ngắn hạn, chuyên tu, tại chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị, phục vụ có hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, hiện có 03 cán bộ có trình độ Thạc sỹ Luật, 155 đồng chí có trình độ Cử nhân Luật; Đại học khác: 05 đồng chí, Cử nhân cao cấp lý luận chính trị 39 đồng chí. Hiện có 09 cán bộ đang theo học Thạc sỹ Luật.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã chú trọng đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ theo sự chỉ đạo tập trung thống nhất trong ngành; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế về quản lý, về hoạt động nghiệp vụ và xây dựng quy chế hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành Kiểm sát Lạng Sơn luôn gắn việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" và Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm". Ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã 02 lần tổ chức Hội thi Kiểm sát viên giỏi nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh tra,kiểm tra, đổi mới phương pháp kiểm tra, đề cao việc tự kiểm tra của các đơn vị trong thực hiện công tác chuyên môn nhằm tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động.

Ngoài việc chủ động trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, ngành Kiểm sát Lạng Sơn luôn tích cực hưởng ứng và phát động các phong trào thi đua do Ngành và địa phương tổ chức, động viên, khuyến khích cán bộ tham gia ủng hộ các quỹ do địa phương phát động, các hoạt động văn hóa, thể thao.

Cơ sở vật chất của ngành Kiểm sát Lạng Sơn luôn được quan tâm đầu tư. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được bố trí 01 căn nhà (nay là Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn - số 3 đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn). Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới phía Bắc, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã 04 lần sơ tán, trụ sở làm việc bị phá hủy phải xây dựng lại, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được bố trí 01 căn nhà để làm trụ sở (nay là số 5 đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn); phương tiện, trang thiết bị, cơ sở làm việc rất thiếu thốn. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cơ sở vật chất của ngành Kiểm sát được đầu tư đáng kể, hiện có 3 trụ sở làm việc (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Lạng Sơn, Bắc Sơn), được xây dựng mới đảm bảo diện tích làm việc theo quy định; 9/11 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được trang bị xe ô tô chuyên dùng; phương tiện làm việc hằng năm được đầu tư, mua sắm; hệ thống mạng lưới công nghệ thông tin đang từng bước được trang bị hiện đại để phục vụ cho hoạt động chỉ đạo điều hành.

55 năm qua, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Lạng Sơn không ngừng nỗ lực phấn đấu,tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Ngành và địa phương phát động; góp phần có hiệu quả vào phong trào thi đua của Ngành và địa phương

Với những đóng góp tích cực, nhiều tập thể và cá nhân trong Ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã được khen tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý:

- Năm 2013: được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba;

- Năm 2014: được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

- Được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tặng Cờ thi đua các năm 1973,1999, 2011, 2013, 2014.

- Năm 2012,2014: được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua Nhất, Nhì Cụm thi đua Khối các cơ quan Nội chính tỉnh.

- Năm 2001: được tặng Huy chương Đồng phong trào Văn nghệ.

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng, truy tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- 01 đồng chí được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì (đồng chí Hoàng Minh Tư - Nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh);

- 02 đồng chí nguyên là Viện trưởng Viện KSND tỉnh được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba (đồng chí Trịnh Ngọc, đồng chí Hoàng Thanh Thủy);

- Có 03 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba (đồng chí Hoàng Minh Tư - nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh, đồng chí Mã Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, đồng chí Vũ Ngọc Châu - Kiểm tra viên phòng 4);

- Năm 2010: tập thể phòng 4, Văn phòng Tổng hợp và Thống kê tội phạm được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2013: phòng Tổ chức cán bộ được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

- 07 lượt tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Phòng 1, phòng 4, phòng 5, phòng 9, Văn phòng Tổng hợp Viện tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Lạng Sơn, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hữu Lũng);

- 07 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (đồng chí Hoàng Minh Tư - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Hồ Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện KSND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hoàng Hải - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, đồng chí Mã Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, đồng chí Triệu Văn Tráng -Trưởng phòng 4; đồng chí Phạm Thị Thoa - Trưởng phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin; đồng chí Vũ Ngọc Châu - Kiểm tra viên phòng 4).

Nhiều lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cao quý khác của Ngành và của địa phương.

Đạt được những thành quả trên là do ngành Kiểm sát Lạng Sơn luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; của Tỉnh ủy; sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; sự phối hợp của các ngành hữu quan và sự nỗ lực, cố gắng trong công tác, học tập của các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên trong 55 năm qua - đó là những nhân tố tạo ra sức mạnh, sự thuận lợi cần thiết để ngành Kiểm sát Lạng Sơn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trưởng thành và phát triển như ngày hôm nay.

55 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, sự quan tâm, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, tổ chức, các cơ quan tư pháp, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên không ngừng của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, ngành Kiểm sát Lạng Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đòi hỏi trách nhiệm của ngành Kiểm sát ngày càng cao trong nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, triển khai thực hiện Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014; các Nghị quyết Quốc hội số 37/2012/QH12, ngày 23/1/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Nghị quyết số 63/2013/QH12, ngày 27/11/2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngành Kiểm sát Lạng Sơn cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho, góp phần bảo vệ Pháp chế Xã hội chủ nghĩa, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Kim Thoa tổng hợp 

7261 Lượt đã xem