Thứ năm, 09 Tháng 7 2015 07:59

Ghi chép tháng bảy

   Tháng bảy đến với ánh nắng trời và gió núi, tháng bảy đến trong không khí náo nức kỷ niệm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, gợi cho chúng tôi - những Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, những người tham gia công tác khám nghiệm ban đầu những vụ án hình sự, chợt nghĩ đến những tháng ngày đã qua, những nẻo đường đã qua với những nỗi niềm đầy suy tư và đáng tự hào.

   Chúng tôi là ai? Làm gì? Đối với cán bộ trong Ngành và lực lượng điều tra thì dễ hiểu; họ có thể nói rõ ràng rằng đấy là hoạt động nghiệp vụ mang tính pháp lý của Viện kiểm sát bảo đảm cho việc khám nghiệm hiện trường và tử thi của cơ quan Điều tra được thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm phát hiện dấu vết, vật chứng của tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Nhưng đối với những người khác thì khó có thể biết hết, hiểu nhiều về chúng tôi, bởi ít có dịp và cũng ít khi nói về mình. Bây giờ người ta nói nhiều về những phiên toà uy nghiêm, ở đó có những phán quyết, chứ ít ai nói, ít người biết về chúng tôi- những Kiểm sát viên tham gia công tác khám nghiệm ban đầu.

   Do tính chất công việc có thể nói không còn xã nào trong tỉnh Lạng Sơn mà chúng tôi chưa từng đến. Chúng tôi là những người Nùng, người Tày, người Kinh; có người là dân Lạng Sơn gốc, có người từ miền xuôi lên; có người rời ghế nhà trường thẳng vào Ngành; có người đã từng khoác áo lính nếm đủ mùi sốt rét Trường Sơn. Nhưng bao giờ cũng vậy, có vụ việc là lên đường, công việc là trên hết.

   Có người hỏi các anh được trang bị những gì? Phải nói có một thời kỳ chúng tôi được cấp hai chiếc “Va li dự thẩm” của Liên Xô nhưng đó là thời kỳ xa xưa rồi. Giờ đây chúng tôi tác nghiệp dựa hoàn toàn vào những phương tiện của kỹ thuật hình sự Công an Tỉnh(mà cũng còn thô sơ và lạc hậu lắm). Tham gia công tác này trong Hội đồng khám nghiệm là những Kiểm sát viên, Điều tra viên- những sỹ quan kỹ thuật hình sự của Công an Tỉnh và Bác sỹ pháp y. Ngoại trừ những người lính trận, khó ai có thể có những sự gắn bó trong công việc như chúng tôi: Cùng đi trên một chiếc xe ô tô, leo qua những con đường xấu khủng khiếp trên sườn núi (xin cứ tạm gọi đó là đường) để đến hiện trường vụ án; cùng ăn, cùng ở trong dân. Trong mùa đông- xuân trên những miền núi đá thật là khô hạn, có không ít lần đoàn khám nghiệm nhường nhau lần lượt cúi xuống một hốc nước nhỏ, dùng lá cây gấp lại múc nước uống. Chúng tôi từng chia nhau từng gói mì tôm, đắp chung những chiếc chăn trong nhà dân ở những góc rừng xa tít … Có lẽ vì những “cái chung” đó chứ không phải những điều gì cao siêu, to tát gì khác đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả những thiếu thốn, khó khăn gian khổ, thậm chí nguy hiểm để làm tốt những công việc ban đầu, những yêu cầu ban đầu của các vụ án hình sự; bảo đảm cho mọi kẻ phạm tội đều bị phát hiện kịp thời, bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử sau đó.

   Mây mù vẫn phủ trắng lốp trên đỉnh Mẫu Sơn, tháng bảy này đến với những vạt nắng trải dài trên sườn núi. Khi đó chúng tôi luôn tự hào rằng: Trên những cánh rừng ấy trong tỉnh Lạng Sơn chúng tôi đều đã đi qua. Cả Lạng Sơn là trùng điệp những cánh rừng, với tổng diện tích của cả tỉnh lên tới hơn 8000 kilômét vuông, có 1 thành phố, 10 huyện, 13 thị trấn và 175 xã; trong đó có những huyện cách nhau hơn 150 kilômét. Những địa bàn mà chúng tôi phải đi khám nghiệm đa phần là xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, ở đó xe ô tô, xe máy không thể đến hiện trường được, thế là cắt rừng đi bộ, dăm chục kilômét là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có lần để đến một bản người Dao thuộc xã Quý Hoà của huyện Bình Gia, từ điểm mà xe ô tô không thể đi được, chúng tôi cuốc bộ: Cứ năm giờ sáng đi, tối đâu ngủ đó, cả đi cả về hết hai ngày một đêm; dọc đường gặp nhà dân thì xin gạo nấu cháo. Dân cư ở đây quá thưa thớt và còn nghèo khó, cũng vì quá mệt mỏi nên chúng tôi chỉ có thể ăn cháo để đi tiếp.

   Cái ăn cái uống bây giờ đã trở thành những điều quá bình thường, nhưng chúng tôi xin được nói một chút về nó, đi khám nghiệm khi thì chúng tôi cũng được ăn no (ôi thật là may mắn và hạnh phúc), khi thì phải nhịn đói từ sáng cho đến tối, điều này ai đã tham gia công tác khám nghiệm ở địa bàn rừng núi, xa xôi cách trở thì không lấy gì làm lạ. Có người trêu chúng tôi là “bọn chuyên đi ăn cơm đám ma”, cũng phải, vì sau cuộc khám nghiệm uỷ ban xã bố trí ăn cơm ngay gần xác chết hôi thối vừa khám nghiệm xong là chuyện rất bình thường, bởi muộn rồi, không ăn ở trên núi thì ăn ở đâu? không ăn thì sức đâu mà xuống núi. Nếu có nhà dân ở cạnh đó nhiều khi vì phong tục kiêng kỵ nên rất khó được vào nhà, nên dù đã rất mệt mỏi chúng tôi tự bảo nhau: hôi hám như thế này người ta ngại không cho vào nhà là phải. Biết bao vụ khám nghiệm mà bên những cái chết thối rữa đầy ròi bọ, các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Bác sỹ pháp y phải xem xét, hội ý nhiều lần để có những quyết định đúng đắn trong khám nghiệm. Những lúc đó ngay cả người nhà của nạn nhân còn không dám dứng gần. Chúng tôi chẳng phải thần thánh, hay có thần kinh thép gì đâu, chỉ bởi trách nhiệm đè nặng trên vai, bởi cần phải đưa sự thật của vụ việc ra ánh sáng, mà chúng tôi phải cắn răng chịu đựng. Đồ bảo hộ thì có gì đâu: Một bộ quần áo đi mưa và một chiếc khẩu trang mỏng như tầu lá.

   Mùa hè đến với những sắc màu lộng lẫy của nắng, với những nụ cười tươi tắn trên phố, phường những đồng bào người dân tộc hối hả mang nông thổ sản xuống phố chợ bán, sắc xuân tươi rói trên những bộ chàm mới khoe màu chỉ thêu muôn sắc. Có thể nói một thực tế mà không sáo rỗng rằng: Nếu không có họ, những người dân bình thường trên những chặng đường chúng tôi đã đi qua (rất nhiều không thể nhớ và nói hết về họ được), thì có lẽ chúng tôi không thể làm được những công việc mà nhà nước giao cho đến ngày hôm nay. Họ là những người phát hiện tử thi và hiện trường, họ cũng là người báo tin, người dẫn đường cho chúng tôi. Có lần, khi xuống xe ô tô để đi đến hiện trường thì có một cậu bé khoảng 12 đến 13 tuổi từ bìa rừng chạy đến nói với chúng tôi rằng: Các bác trong Uỷ ban xã đã ở trong hiện trường cả rồi, cháu có nhiệm vụ dẫn đường đến đó. Và thế là cậu ta cứ thoăn thoắt đi trước. Từ trưa đến chiều tà thì đến hiện trường. Có người trong đoàn chúng tôi đưa vào bàn tay đen sì nhựa cây của cậu bé mười ngàn đồng nhưng cậu ta kiên quyết không cầm, mà cứ đứng đợi chúng tôi uống hết chai nước khoáng thì lặng lẽ nhặt lấy vỏ, rồi lại đưa chúng tôi quay trở ra.

   Những người dân nơi chúng tôi đã đi qua cho chúng tôi ăn, ngủ với những điều kiện có thể của họ, trong mắt họ chúng tôi nhìn thấy sự cảm thông với những nhọc nhằn của chúng tôi.

   Cũng phải nói tới những cán bộ địa phương cấp xã, nơi có hiện trường vụ án xảy ra, bởi vì không có họ công tác của chúng tôi chắc chắn không thể tiến hành xuôn xẻ được. Để báo tin họ có thể cắt rừng đi cả đêm, rồi lại về ngay để tiếp tục tổ chức bảo vệ hiện trường và tử thi, chuẩn bị nơi ăn nghỉ cho đoàn khám nghiệm, họ cũng có thể hỗ trợ cho chúng tôi trong vô vàn những công việc khác như nắm tin tức ban đầu, phiên dịch (Chúng tôi đều biết một số tiếng dân tộc, nhưng vì thổ âm nhiều vùng có khác nhau, nên không phải từ nào cũng hiểu hết). Có thể nói chỉ bằng lòng nhiệt tình trong những công việc vất vả để tìm ra sự thật mà chúng tôi mới đổi được sự kính trọng trong mắt những người cán bộ cơ sở này cho đến ngày hôm nay.

   Tháng bảy nào cũng bộn bề công việc, giở lại những trang sổ ghi kết quả khám nghiệm thấy năm nào cũng non trăm vụ. Một năm mới bắt đầu và chúng tôi luôn tự hào là những người đầu tiên trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã góp phần trong việc thu thập dấu vết, vật chứng, tìm ra nguyên nhân của những cái chết không bình thường; để mà từ đó có đủ điều kiện và căn cứ để có thể đưa ra các quyết định: khởi tố điều tra, bắt, khám xét, xét hỏi và truy tố kẻ phạm tội ra Toà. Nhiều khi trong cuộc khám nghiệm, các thành viên cũng tham gia bắt giữ ngay các đối tượng gây án khi xác định được rõ ràng và sự nguy hiểm ở đây cũng thật dễ hiểu. Nhìn những lớp cán bộ trẻ mới vào ngành Kiểm sát hăm hở, tự tin, chúng tôi chợt thấy mái đầu của mình cũng đã có sợi bạc. Thời gian trôi đi nhanh quá, tuổi trẻ của chúng tôi đã không uổng phí trên những nẻo đường quê hương khi những kẻ gây tội ác đều phải trả giá. Tháng ngày trôi qua, một tháng bảy nữa lại tới, những định hướng cải cách tư pháp của Đảng như ngọn gió xuân thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong tim chúng tôi. Những Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát khám nghiệm ban đầu vẫn lớp lớp thay nhau lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ, vì trật tự trị an của xã hội, vì công lý, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Trịnh Ngọc Chính - VKSND tỉnh Lạng Sơn

6650 Lượt đã xem