Thứ ba, 07 Tháng 7 2015 09:49

Ngành kiểm sát Lạng Sơn ngày ấy - bây giờ

     

Đồng chí Hoàng Trần Phú - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh Lạng Sơn 

   Tôi được chuyển ngành từ bộ đội sang ngành Kiểm sát ngay từ những ngày đầu tiên được thành lập, được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát tháng 4 năm 1960, đến tháng 7 năm 1997 tôi hoàn thành nhiệm vụ, được nghỉ hưu theo chế độ. May mắn được chứng kiến 55 năm xây dựng và trưởng thành, của ngành Kiểm sát Lạng Sơn, tôi nhận thấy: trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào của cách mạng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, cùng với ngành Kiểm sát trong cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

    Khi tôi về ngành Kiểm sát, lúc đó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được tách ra từ phòng Công tố thuộc Tòa án tỉnh Lạng Sơn, chỉ có 02 đồng chí (đồng chí Nguyễn Đức Lương và đồng chí Đoàn Tỉnh) là Công tố Ủy viên, Tỉnh ủy đã quam tâm, bố trí, điều động một số đồng chí từ ngành Công an, Quân đội và một số cán bộ ở cơ quan hành chính khác đến công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Lực lượng cán bộ ở cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh lúc đó rất mỏng, chỉ có 10 người (ông Nguyễn Đức Lương, Trương Quốc Sỉnh, Bùi Duy Đắc - được bổ nhiệm Phó Viện trưởng, khoảng tháng 9/1961 có các ông Đoàn Tỉnh, ông Trần Ánh, ông Nguyễn Chức- được chuyển từ Tòa án sang, ông Vi Văn Tươi được chuyển từ ngành Công an Đường sắt sang, ông Nguyên, ông Hài được chuyển từ bộ đội sang, bà Nguyễn Thị Đức được tuyển dụng vào làm đánh máy), vừa phải chăm lo xây dựng, kiện toàn bộ máy, vừa phải bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, hầu hết cán bộ lúc đó phải kiêm nhiệm nhiều việc để đảm bảo hoạt động. Tổ chức bộ máy lúc này chưa có các phòng, được biên chế thành các bộ phận: bộ phận Kiểm sát điều tra, xét xử; bộ phận Kiểm sát chung, bộ phận Văn phòng. Hầu hết cán bộ chưa có trình độ nghiệp vụ, tự học hỏi, nghiên cứu các văn bản về chính sách của Đảng, của Nhà nước để áp dụng vào công tác kiểm sát. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, cử cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 2 năm rồi về truyền đạt lại cho nhau để thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện, việc xử lý vi phạm, tội phạm dựa trên những văn bản về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với nhiệm vụ của ngành Kiểm sát là bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công tác kiểm sát tập trung phục vụ chính nông nghiệp, củng cố hợp tác xã vững mạnh, tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi; giao thông vận tải; lưu thông phân phối, ăn chia sản phẩm; chính sách hậu phương, quân đội, công tác tuyển quân đúng người, đúng chính sách. Cùng với việc xử lý một số trường hợp làm trái các chế độ chính sách của Nhà nước, tham ô, trộm cắp tài sản của hợp tác xã, lạm quyền, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có sáng kiến đưa pháp luật vào tay nông dân, làm cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp và nông thôn để thực hiện quyền làm chủ. Công tác thực hành quyền công tố tập trung vào đấu tranh chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các hoạt động tội phạm nguy hiểm khác; phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm khắc các tội phạm về gián điệp, hoạt động biệt kích, gây bạo loạn và các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng.

   Công tác cán bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với ngành Kiểm sát Lạng Sơn luôn được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp ủy Đảng quan tâm, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên lúc đó yêu cầu phải qua cấp ủy nên lúc đó cán bộ chủ chốt của Viện Kiểm sát đều do cấp ủy điều sang nên vững về bản lĩnh chính trị, có năng lực, có trình độ, đã lãnh đạo ngành Kiểm sát vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thông qua công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát đã có nhiều báo cáo tham mưu cho cấp ủy Đảng tăng cường công tác quản lý, nhiều kiến nghị với chính quyền, cơ quan chức năng khắc phục vi phạm trong công tác quản lý, đề nghị xử lý hành chính, xử lý về hình sự đối với nhiều cán bộ vi phạm, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ chính trị của địa phương.

   Cơ sở vật chất của ngành Kiểm sát được quan tâm, tạo điều kiện, ngay từ ngày đầu thành lập, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được bố trí căn nhà nay là số 3 đường Trần Hưng Đạo (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn) để làm trụ sở, sau đó được đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc hai tầng (ở khu vực Nhà trẻ 08/3 hiện nay), sau đó bị bom Mỹ phá hủy; trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Uyên, Thoát Lãng, Bình Gia được quan tâm xây dựng. Do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phải sơ tán 04 lần, trụ sở làm việc bị phá hỏng nặng nề. Đến nay trụ sở làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được xây dựng 7 tầng khang trang, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố cũng được đầu tư, xây dựng.

   Trong những năm từ khi thành lập (năm 1960) đến kết thúc chiến tranh biên giới (cuối năm 1979): Viện kiểm sát nhân dân tỉnh luôn khắc phục khó khăn về nhiều mặt: số lượng cán bộ hạn chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc thiếu thốn, đời sống cán bộ khó khăn, di chuyển sơ tán nhiều lần do chiến tranh, yêu cầu nhiệm vụ nặng nề nhưng tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã lãnh đạo đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, tạo niềm tin của cấp ủy đảng, của nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, cán bộ kiểm sát được học tập Nghị quyết, chỉ thị của Đảng để định hướng công tác kiểm sát và chỉnh huấn tư tưởng; các chuyên đề, đúc rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được phố biến đến cán bộ, kiểm sát viên học tập, nâng cao năng lực chuyên môn.

   Từ những năm 1980 trở về đây, hệ thống tổ chức bộ máy được kiện toàn, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ kiểm sát được đào tạo chính quy, chuẩn hóa, là điều kiện thuận lợi để ngành Kiểm sát Lạng Sơn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp: cơ sở vật chất của ngành Kiểm sát Lạng Sơn được quan tâm đầu tư khang trang hơn, phương tiện làm việc đầy đủ hơn, phấn khởi nhất là Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện đã được trang bị xe ô tô chuyên dụng để phục vụ cho công tác; trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa hơn; tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong Ngành đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành và đạt được kết quả cao, được Ngành và địa phương ghi nhận.

    Năm 2015, toàn ngành Kiểm sát bước vào giai đoạn mới - giai đoạn thực hiện Luật Tổ chức Viện Kiểm sát năm 2014, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Kiểm sát nói chung và ngành Kiểm sát Lạng Sơn nói riêng là vô cùng lớn lao. Tôi tin tưởng rằng: với sự quyết tâm, đoàn kết, sáng suốt của tập thể lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân; sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan và sự nỗ lực, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, ngành Kiểm sát Lạng Sơn sẽ tiếp tục đạt được những thành tích cao trong công tác, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và của địa phương.

   Xin kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, thành công!

6280 Lượt đã xem