Thứ tư, 02 Tháng 8 2023 10:58

Một số kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án tội phạm công nghệ cao

Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Nhận thức rõ tính chất phức tạp, đặc thù trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng, trong thời gian vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết một số vụ án sử dụng công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thời điểm từ năm 2022 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tràng Định đã thụ lý giải quyết 03 vụ/ 03 bị can về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự), Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự).

Kiểm sát viên hỏi cung vụ án Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản

Từ thực tiễn công tác, chúng tôi nhận thấy việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm công nghệ cao có mục đích chiếm đoạt tài sản hiện nay đang có những nhận thức chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trong việc xác định dấu hiệu khách quan của Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự) hay tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng internet, mạng viễn thông nên bị hại không xác định được họ tên và địa chỉ thật của người phạm tội, gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra, xử lý.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Thứ nhất: Khi tiếp nhận tin báo, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết tin báo phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, các tài liệu liên quan để đề ra yêu cầu xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ; có sự phối hợp chặt chẽ hai chiều với cơ quan điều tra. Đây là hoạt động ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi môi trường thực hiện hành vi của loại tội phạm này là không gian mạng (thế giới ảo), hình thức thực hiện đăng nhập có thể một hoặc dưới nhiều tài khoản khác nhau nhưng do một người quản lý, cách thức thực hiện thông qua các phương tiện máy tính, điện thoại, các thiết bị kỹ thuật số… có kết nối mạng internet, địa điểm, thời gian thực hiện hành vi có thể bất cứ ở đâu.

Trong thực tiễn các vụ việc xảy ra trong lĩnh vực này chứng cứ thu thập được sẽ là điện thoại, máy tính và các thiết bị kỹ thuật số khác… thì sẽ được sao lưu dữ liệu (nếu có) và niêm phong theo quy định, nhưng đây chỉ là công cụ, phương tiện để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Việc ngăn chặn, phong tỏa và khóa được các tài khoản (Facebook, Zalo…) đối tượng sử dụng làm phương tiện phạm tội rất quan trọng, vì đây là chứng cứ để xác định đối tượng đã, đang sử dụng các tài khoản đó để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhưng trên thực tiễn lại gặp khó khăn, vì đây thường là các tài khoản ảo, các tài khoản bị hack (tài khoản bị sử dụng trái phép), tài khoản được nhiều đối tượng sử dụng, nên khi có một đối tượng bị phát hiện xử lý, thì lập tức các đối tượng khác ở ngoài sẽ khóa tài khoản này nếu như Cơ quan điều tra không có biện pháp tiếp cận để sao lưu các tài liệu ngay từ đầu, cũng như sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để khóa hoặc phong tỏa các tài khoản này.

Do vậy đối với loại tội phạm này khi được phát hiện, Kiểm sát viên được phân công phải phối hợp ngay với Cơ quan điều tra để tiến hành xác nhận việc đăng nhập của đối tượng (tên đăng nhập, mật khẩu) vào các tài khoản Facebook, Zalo… để chiếm đoạt hoặc sử dụng để chiếm đoạt tài sản bằng cách vừa hỏi, vừa đáp có ghi âm, ghi hình về cách thức thực hiện. Sau đó sẽ tiến hành in các dữ liệu dưới dạng tin nhắn từ các tài khoản còn lưu lại cho đối tượng và bị hại ký xác nhận vào các nội dung có sự tham gia của Kiểm sát viên.

- Thứ hai: trong quá trình thu thập chứng cứ, rất khó khăn trong việc thu thập, đánh giá do công nghệ thông tin, dữ liệu điện tử là một chuyên ngành riêng biệt thì Cơ quan điều tra phối hợp ngay với cơ quan chuyên môn như Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để phục hồi lại các dữ liệu đã bị xóa, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp thông tin, quyền truy cập máy tính và lấy dữ liệu; trích xuất, chuyển hóa dữ liệu điện tử từ các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại, các đơn vị cung cấp mạng máy tính, mạng viễn thông… hoặc trưng cầu cơ quan giám định cùng phối hợp thu giữ, niêm phong và giám định; hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc phát hiện, xác minh, kiểm chứng nhanh thông tin các dữ liệu điện tử liên quan như thông tin đăng ký doanh nghiệp, các trang mạng, tên miền, địa chỉ IP, thông tin đăng ký các thuê bao điện thoại, tài khoản ngân hàng… để chứng minh hành vi phạm tội.

- Thứ ba: Sau khi thu thập được các tài liệu chứng cứ, Kiểm sát viên cần có sự phân loại, đánh giá để định hướng về mặt tội danh, về thẩm quyền điều tra, các căn cứ để tiến hành khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án về lĩnh vực này, nhận thấy việc xác định tội danh vẫn còn nhiều quan điểm nhận thức chưa thống nhất, cùng một vụ việc nhưng có nơi áp dụng Điều 290 Bộ luật Hình sự, có nơi lại áp dụng Điều 174 Bộ luật Hình sự. Để xác định hành vi đó phạm tội nào, trước hết theo tác giá phải xác định rõ cấu thành mặt khách quan của từng loại tội phạm này trên cơ sở đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được để định tội danh chính xác. Đối với hành vi phạm tội theo Điều 290 Bộ luật Hình sự thì thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để chiếm đoạt tài sản là “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”. Còn đối với hành vi phạm tội theo Điều 174 Bộ luật Hình sự thì hành vi gian dối là điều kiện để thực hiện việc chiếm đoạt còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối.

+ Việc khởi tố áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với loại tội phạm này cũng là vấn đề đặt ra khi giải quyết vụ án. Do đây là loại tội phạm mới hoạt động trên môi trường sử dụng các công cụ, phương tiện có kết nối internet nên có thể thực hiện hành vi bất cứ ở đâu, thời gian bất cứ lúc nào, số lượng người bị hại nhiều, lại ở các tỉnh, thành phố khác nhau... nên khi khởi tố cần áp dụng biện pháp tạm giam để điều tra đối với tội phạm này là cần thiết.

+ Về thẩm quyền: Việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ đối với loại tội phạm này cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đây là loại tội phạm không trực tiếp thực hiện hành vi với người bị hại mà chỉ thông qua không gian mạng, bằng các tài khoản Facebook, Zalo... đưa ra các yêu cầu từ bất cứ đâu để người bị hại ở một địa điểm khác thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản, hay thẻ cào điện thoại từ đó đổi thành tiền mặt...Do vậy, việc xác định đúng thẩm quyền điều tra đòi hỏi các Điều tra viên, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật.

- Thứ tư: Phải thường xuyên báo cáo để nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đảm bảo việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rất mong sự góp ý, chia sẻ của các đồng nghiệp để góp phần giải quyết có hiệu quả đối với loại tội phạm này trong thời gian tới.

 Nguyễn Thành Luân - VKSND huyện Tràng Định

3615 Lượt đã xem