Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 09:42

Bàn về tình tiết "kích động mạnh" từ một vụ án

      Điều 125 Bộ luật Hình sự quy định tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và Điều 135 tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thực tế áp dụng pháp luật việc xác định tình tiết kích động mạnh hay không kích động mạnh để xử lý theo hai điều luật này gặp không ít khó khăn, khó khăn chủ yếu là xuất phát từ bản chất và nội hàm của tình tiết này dẫn đến có những nhận thức và cách hiểu khác nhau, vì vậy dẫn đến xu hướng là không mạnh dạn, tự tin và quyết đoán trong việc áp dụng hay không áp dụng tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thực tế cho thấy việc xử lý theo các Điều 125, 135 Bộ luật Hình sự là rất hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án giết người và gây thương tích để có sự nhận thức chung thống nhất về tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Dưới đây là một vụ án còn có quan điểm khác nhau về tình tiết kích động mạnh xin được nêu ra để cùng trao đổi:

      Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 23/12/2020, sau khi đi phát rừng xong, Hoàng Tuấn A cài con dao quắm vào đuôi xe mô tô rồi điều khiển xe đi đến nhà anh Hoàng Văn Th để uống rượu. Sau khi uống rượu xong, khoảng 20 giờ cùng ngày anh Th điều khiển xe mô tô chở Tuấn A đến quán cà phê Bảo Trâm để uống nước. Tại đây, giữa Cù Trọng Ng (là chủ quán Bảo Trâm) và Hoàng Tuấn A xảy ra cãi chửi nhau, Ng cầm 01 đoạn gậy bằng kim loại định đánh Tuấn A thì anh Th vào can ngăn và giằng lấy chiếc gậy từ tay Ng rồi ném ra gốc cây nhãn ở sân quán, Ng tiếp tục lao vào dùng tay phải đánh 01 phát vào mặt Tuấn A và quật ngã Tuấn A xuống sàn nhà ngay tại vị trí quầy thanh toán, thấy vậy anh Th cùng một số người trong quán vào can ngăn kéo Ng ra. Sau đó anh Th điều khiển xe mô tô chở Tuấn A đến quán đồ nướng để ăn đồ nướng và uống rượu.

      Khoảng 22 giờ cùng ngày, anh Th và Tuấn A đi về nhà của mình, khi về đến nhà do bức xúc vì bị Ng chửi, đánh nên Tuấn A lấy dao giắt vào sau lưng rồi đi bộ đến quán Bảo Trâm để đánh Ng trả thù. Khi Tuấn A đến quán thì thấy Ng đang đứng ở quầy thanh toán cùng chị Hoàng Thị Thu Th (là nhân viên thu ngân của quán Bảo Trâm), Tuấn A đi đến vị trí của Ng dùng tay phải cầm dao chém 01 nhát về phía Ng nhưng không trúng, Ng lùi vào phía trong quầy thanh toán, Tuấn A tiếp tục chém về phía Ng thì Ng giơ tay trái lên để đỡ nên bị dao chém trúng bàn tay trái chảy máu, Ng lao vào ôm Tuấn A và dùng tay trái lấy được dao từ tay Tuấn A. Thấy Ng và Tuấn A đánh nhau nên anh Lộc Xuân T và Bế Văn Đ vào can ngăn, anh T tước được dao từ tay Ng đưa cho anh Đ ném ra vị trí gốc cây nhãn ở sân quán Bảo Trâm. Sau đó, Ng vật ngã Tuấn A xuống sàn nhà, do Tuấn A đã say rượu nên nằm yên không có phản ứng gì, Ng chạy vào trong quầy thanh toán lấy 01 đoạn gậy rút ba khúc bằng kim loại rồi chạy ra chỗ Tuấn A nằm dùng tay phải đánh liên tiếp nhiều phát vào vùng đầu và người của Tuấn A. Sau đó Ng tiếp tục đi vào bếp lấy 01 con dao, loại dao bầu rồi quay lại chỗ Tuấn A đang nằm trên sàn nhà, anh Đ, anh T và chị Th thấy vậy nên hô hoán, khuyên Ng không dùng dao chém Tuấn A nữa nhưng Ng không nghe mà ngồi đè lên người của Tuấn A và dùng tay phải cầm dao chém nhiều phát vào vùng đầu của Tuấn A, tiếp đó Ng dùng tay trái túm tóc Tuấn A kéo lên, tay phải cầm dao kề vào cổ Tuấn A và nói “Mày thích chết thì cho mày chết”. Thấy vậy, anh Đ chạy vào ôm đẩy Ng ra vị trí bàn uống nước ở trong quán, con dao Ng cầm trên tay bị rơi xuống sàn nhà, chị Th nhặt con dao mang vào bếp cất rồi quay ra băng bó vết thương tại tay trái cho Ng, sau khi được băng bó vết thương xong Ng tiếp tục đá 02 phát vào đầu Tuấn A, anh Đ vào can ngăn thì Ng mới thôi. Sau đó Tuấn A và Ng được mọi người đưa đến Trung tâm Y tế để cấp cứu.

      Tại các Bản kết luận giám định số 35, 39 ngày 26/01/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Lạng Sơn kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể của Hoàng Tuấn A như sau: “Sẹo vùng trán đỉnh: 02%; Sẹo vùng trán đỉnh phải: 03%; Sẹo vùng trán đỉnh phải: 02%; Sẹo vùng trán – thái dương phải: 02%; Sẹo vùng thái dương phải: 01%; Sẹo vùng thái dương phải: 02%; điện não đồ: 01%. Tổng tỷ lệ là: 13%.” . Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Cù Trọng Ng như sau: “Sẹo lòng bàn tay trái: 03%; Sẹo mặt trong vùng bàn ngón V tay trái: 03%; Tổn thương nhánh thần kinh trụ: 11%. Tổng tỷ lệ là: 16%.”

      Cáo trạng truy tố Cù Trọng Ng về tội Giết người theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự; Hoàng Tuấn A về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

      Đối với vụ án này có 02 quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng Ng phạm tội trọng trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do Tuấn A có hành vi dùng dao chém vào tay Ng, đây là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng dẫn đến Ng bị kích động mạnh nên đã thực hiện tội phạm giết người. Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi phạm tội của Ng không thuộc trường hợp bị kích động mạnh.

      Quan điểm của tác giả bài viết theo quan điểm thứ hai, bởi vì:

      Theo hướng dẫn tại điểm b mục 1 Chương II của Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh…Đối với trường hợp người dùng chất say (uống rượu) hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị say, nhân có hành vi trái pháp luật của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh.”

      Đối với vụ án nêu trên, nếu chỉ xét riêng phạm vi từ khi Tuấn A thực hiện hành vi trái pháp luật là dùng dao chém gây thương tích cho Ng dẫn đến Ng dùng gậy sắt và dao đánh, chém Tuấn A, thì có thể hành vi phạm tội của Ng phạm tội thuộc trường hợp kích động hoặc kích động mạnh. Tuy nhiên, xem xét một cách khách quan, toàn diện các mặt về hoàn cảnh, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc, mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội…v.v thì có thể thấy rằng: Nguyên nhân ban đầu là xuất phát từ hành vi trái pháp luật của Ng, thể hiện ở chỗ khi Tuấn A đến quán Bảo Trâm thì Ng có hành vi chửi và cầm 01 đoạn gậy bằng kim loại định đánh Tuấn A, sau đó Ng tiếp tục lao vào dùng tay phải đánh 01 phát vào mặt Tuấn A và quật ngã Tuấn A xuống sàn nhà, chính những hành vi trái pháp luật này của Ng dẫn đến việc Tuấn A bức xúc và về nhà lấy dao đến chém vào tay Ng, vì vậy trong trường hợp này thì Ng không thể bị kích động hoặc kích động mạnh. Hơn nữa, theo Ng khai là Ng đã uống rượu, vì vậy không làm chủ được bản thân nên đã thực hiện hành dùng gậy sắt và dao đánh, chém Tuấn A, như vậy hành vi phạm tội của Ng là “bị kích động” do đã sử dụng chất kích thích, hay nói cách khác, hành vi trái pháp luật của Tuấn A không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động hoặc kích động mạnh của Ng.

      Một nội dung khác của vấn đề kích động mạnh thấy rằng: Trường hợp hành vi trái pháp luật của nạn nhân không nghiêm trọng nhưng có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian, dẫn đến đối tượng phạm tội bị kích động âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được và đã thực hiện tội phạm. Đối với trường hợp này đã có Án lệ số 28/2019/AL, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22/8/2019 và được công bố theo Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09/9/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Án lệ này có nội dung như sau: “Bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần. Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của bị cáo. Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công. Do đó, có đủ cơ sở xác định Trần Văn C đã bị kích động mạnh về tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn C về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là có căn cứ.”

      Việc đánh giá hành vi phạm tội có thuộc trường hợp bị kích động hay kích động mạnh trên thực tế là hết sức khó khăn, việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành Án lệ đã tạo điều kiện không nhỏ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn áp dụng pháp luật, nhưng đối với những vụ án không có Án lệ để áp dụng thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá để thống nhất có áp dụng hay không áp dụng phạm tội thuộc trường hợp bị kích động mạnh./.

      Nguyễn Tuấn Anh - Phòng 2, Viện tỉnh

6867 Lượt đã xem