Thứ năm, 05 Tháng 8 2021 14:41

Trách nhiệm của Viện kiểm sát khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can trong giai đoạn điều tra vụ án

Bảo lĩnh là 1 trong 8 biện pháp ngăn chặn (Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) được Cơ quan điều tra áp dụng trong giai đoạn điều tra vụ án. Để thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong quá trình điều tra vụ án khi áp dụng biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh đối với bị can, Kiểm sát viên nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể:

1. Tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh …” như vậy trong giai đoạn điều tra Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền ra Quyết định bảo lĩnh, tuy nhiên quyết định của những người này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành (khoản 4 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự). Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra khoản 1 Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền: “quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế …” Như vậy, trong thực tiễn sẽ phát sinh hai tình huống có thể áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh, phân biệt như vậy để xác định nhiệm vụ của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án.

Thứ nhất, sau khi khởi tố bị can tiến hành điều tra hành vi phạm tội của bị can mà xét thấy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, không cần thiết tạm giam thì Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh và trước khi áp dụng biện pháp này Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn theo khoản 4 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, trường hợp đã khởi tố bị can, đang bị tạm giam, xét thấy bị can có đủ điều kiện được áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh thì Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị thay thế biện pháp ngăn chặn, Quyết định về việc bảo lĩnh và đề nghị phê chuẩn Quyết định về việc bảo lĩnh (theo khoản 4 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự). Sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra, xét thấy có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự “… Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định…” đồng thời ra Quyết định phê chuẩn Quyết định về việc bảo lĩnh của Cơ quan điều tra.

Như vậy biện pháp bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam nên đối tượng được áp dụng là những người đã bị khởi tố về hình sự - là bị can, bị cáo và họ có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Vì đối tượng áp dụng là bị can, bị cáo vậy, thời điểm áp dụng biện pháp này có thể hiểu là áp dụng trước khi bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hoặc khi bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam.

+ Áp dụng trước khi bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nghĩa là bị can, bị cáo thuộc các trường hợp bị tạm giam được quy định tại Điều 119 BLTTHS, nhưng do họ được người thân hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ công tác bảo lĩnh và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận cho họ được áp dụng biện pháp bảo lĩnh thay thế cho biện pháp tạm giam mà lý ra họ có thể bị áp dụng.

+ Áp dụng khi bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam là khi bị can, bị cáo đang bị tạm giam, họ được người thân hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ công tác bảo lĩnh và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận cho họ được áp dụng biện pháp bảo lĩnh thay thế cho biện pháp tạm giam mà họ đang bị áp dụng.

2. Các hoạt động của Kiểm sát viên khi áp dụng biện bảo lĩnh đối với bị can được quy định tại Điều 21 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT- VKSNDTC-BCA-BQP, ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (gọi tắt là TTLT 04/2018), cụ thể: Khi Cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn.

Khi có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh và ra lệnh bắt bị can để tạm giam, có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án. Nếu Viện kiểm sát xác định thấy có căn cứ bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh và áp dụng biện pháp tạm giam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

3. Liên quan đến áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh trong trường hợp gia hạn điều tra vụ án, mà thời hạn cho bảo lĩnh đã hết (thời hạn điều tra vụ án bằng hoặc ngắn hơn thời hạn cho bảo lĩnh), được quy định tại Điều 23 TTLT số 04/2018, tùy từng trường hợp cụ thể giải quyết:

Khi gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn bảo lĩnh của bị can đã hết thì Cơ quan điều tra ra quyết định mới. Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng quyết định mới của Cơ quan điều tra, đối với bị can không quá thời hạn gia hạn điều tra.

Kết thúc điều tra, hồ sơ chuyển Viện kiểm sát truy tố nếu thời hạn bảo lĩnh của Cơ quan điều tra vẫn còn bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó, thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra. Nếu thời hạn bảo lĩnh của Cơ quan điều tra vẫn còn nhưng không đủ thời hạn để hoàn thành việc truy tố, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định, Viện kiểm sát phải ra lệnh, quyết định mới.

Các hoạt động của Kiểm sát viên trong thực hiện biện pháp bảo lĩnh đối với bị can trong giai đoạn điều tra vụ án thực hiện đúng Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC, ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trên dây là quan điểm nhận thức của tác giả về việc áp dụng biện pháp Bảo lĩnh trong giai đoạn điều tra, rất mong nhận được phản hồi của quý bạn đọc để rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật./.

Hoàng Văn Quyền - Viện KSND huyện Văn Lãng

7399 Lượt đã xem