Thứ ba, 11 Tháng 6 2024 16:19

Nâng cao công tác “tự đào tạo và đào tạo tại chỗ" thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm

Nhằm nâng cao công tác tự đào tạo và đào tạo tại chỗ và thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024, vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Quan đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm 02 vụ án dân sự. Vụ thứ nhất: “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, giữa nguyên đơn ông Nông Văn Q (sinh năm 1949) và bị đơn Ngô Văn G (sinh năm 1973), cùng trú tại thôn Còn Chuông, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Vụ thứ hai: “Tranh chấp quyền sử đất và tài sản gắn liền với đất; yêu cầu di dời tài sản trên đất; yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản; khôi phục nguyên trạng đất tranh chấp”, giữa nguyên đơn bà Hoàng Thị T (sinh năm 1954) và nguyên đơn ông Chuông Văn L (sinh năm 1972), cùng trú tại thôn Nà Chầu, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

 

 

Toàn cảnh phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm

Đây là các vụ án dân sự tương đối phức tạp, quan hệ tranh chấp xảy ra phổ biến ở địa phương và có nhiều người tham gia tố tụng với tư cách khác nhau như nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng. Các Kiểm sát viên đã lựa chọn vụ án phù hợp với các tiêu chí của phiên tòa rút kinh nghiệm được quy định tại Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tham dự phiên tòa có đồng chí Hoàng Hữu Sỹ - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Quan và Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên của đơn vị.

Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết các vụ án đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan, chuẩn bị đề cương câu hỏi, dự thảo bài phát biểu cẩn thận và tỉ mỉ. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên có tác phong chững chạc, nghiêm túc; kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng; tham gia hỏi các đương sự để làm rõ nội dung vụ án; đánh giá, đưa ra quan điểm đề xuất giải quyết vụ án khách quan, thể hiện được vai trò của Kiểm sát viên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã giải quyết các vụ án phù hợp với quan điểm đề xuất của Viện kiểm sát.

Sau khi phiên tòa kết thúc, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm dưới sự chủ trì của đồng chí Viện trưởng. Các ý kiến đóng góp đã đưa ra nhận xét, đánh giá và chấm điểm đối với các Kiểm sát viên đúng theo Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC.

Việc lựa chọn, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là một hình thức tự đào tạo và đào tạo tại chỗ giúp nâng cao kỹ năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa đối với Kiểm sát viên, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

 

Họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa

Hà Khánh Huyền - VKSND huyện Văn Quan

186 Lượt đã xem