Thứ ba, 07 Tháng 5 2013 16:18

Một số giải pháp tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn

 

     Kháng nghị phúc thẩm là một quyền năng pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, góp phần vào việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân được tôn trọng và bảo vệ.

    Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04/CT-VKSTC-VPT1 ngày 17/5/2012 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự và Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 về công tác kiểm sát năm 2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng 5 Viện kiểm sát tỉnh đã xây dựng Chương trình công tác năm và chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố có những biện pháp tích cực nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, chú trọng phát hiện những vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án để kháng nghị, đồng thời xác định chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện.

     Trong thời gian qua, qua công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát hai cấp đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự và đã ban hành nhiều kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án hai cấp. Các quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát đều có căn cứ pháp lý, đảm bảo về nội dung và hình thức nên hầu hết các kháng nghị của Viện kiểm sát đều được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

     Tuy nhiên công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự còn bộc lộ một số hạn chế như: Số lượng kháng nghị so với số bản án, quyết định mà Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa, hủy chiếm tỷ lệ còn thấp; có những đơn vị tỷ lệ án sưả, hủy cao nhưng không kháng nghị được vụ nào, hầu hết các kháng nghị đều do Viện kiểm sát cấp tỉnh kháng nghị; chất lượng một số bản kháng nghị chưa cao, phân tích lập luận thiếu chặt chẽ, không nêu hết những thiếu sót vi phạm của bản án sơ thẩm, chưa xác định đầy đủ, chính xác về mức độ vi phạm, nội dung vi phạm.v.v.

     Nguyên nhân của những hạn chế thiếu sót nêu trên, trước hết là do ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, kiểm sát viên làm công tác giải quyết các vụ, việc dân sự ở một số đơn vị chưa cao; trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, do đó nhiều bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án có vi phạm pháp luật, nhưng không phát hiện được vi phạm hoặc phát hiện chưa đúng, chưa đầy đủ những thiếu sót vi phạm để kháng nghị. Đồng thời do thiếu sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo ở một số đơn vị cấp huyện đối với khâu công tác này, dẫn đến việc chỉ đạo còn thiếu sát sao, việc bố trí cán bộ làm công tác dân sự còn kiêm nhiệm, số lượng ít. Việc tổ chức rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung và công tác kháng nghị nói riêng ở một số đơn vị chưa được thường xuyên.

     Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung và công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự nói riêng, trong thời gian tới Viện kiểm sát hai cấp cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

     Thứ nhất: Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp, nhất là Viện kiểm sát các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn đối với cán bộ làm công tác này. Tiếp tục quán triệt đầy đủ những qui định của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011, nhất là những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, để cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự nắm vững và thực hiện đúng các quy định. Đồng thời cần phải nhận thức đúng và đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của công tác kháng nghị, thông qua kháng nghị để khắc phục những vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm, nhằm đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án đúng qui định của pháp luật.

      Thứ 2: Quản lý chặt chẽ số vụ, việc Tòa án thụ lý, giải quyết, nắm chắc số lượng bản án, quyết định do Tòa án gửi đến phân công cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu, kiểm sát theo quy định của pháp luật, để phát hiện vi phạm của bản án, quyết định được chính xác, kịp thời. Khi kiểm sát bản án, quyết định phải chú ý:

     Đối với các quyết định: Cần chú ý căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ đảm bảo đúng qui định không; có yêu cầu phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không; việc thỏa thuận của đương sự đã phù hợp qui định của pháp luật chưa; có làm thiệt hại đến quyền lợi của người thứ ba không; thời hạn gửi quyết định cho Viện kiểm sát đã đúng qui định của Bộ luật tố tụng dân sự chưa.v.v.

     Đối với bản án: Cần đọc kỹ bản án để xác định xem yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án; Sau đó đối chiếu với quyết định giải quyết của bản án sơ thẩm để xác định xem bản án có vi phạm gì về thủ tục tố tụng như: Không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; xác định tư cách nguyên đơn, bị đơn không đúng; giải quyết vụ án vượt quá phạm vi khởi kiện....Về nội dung trong bản án áp dụng quan hệ pháp luật nào để giải quyết vụ án; việc viện dẫn điều luật đã chính xác và đầy đủ chưa; việc giải quyết có đảm bảo quyền lợi cho các đương sự trong vụ án không...

      Thứ 3: Việc kiểm sát phải được lập phiếu kiểm sát theo mẫu và kiểm sát viên phải thể hiện rõ quan điểm của mình khi nghiên cứu, kiểm sát bản án, quyết định; nếu phát hiện có vi phạm phải đề xuất nội dung kháng nghị, phạm vi kháng nghị và có ý kiến phê duyệt của Lãnh đạo đơn vị, sau đó sao gửi Phòng 5 Viện kiểm sát tỉnh để kiểm tra và lưu trong hồ sơ kiểm sát. Qua thực hiện kiểm sát bản án, quyết định, nếu Kiểm sát viên không phát hiện được vi phạm hoặc phát hiện được nhưng không kịp thời báo cáo kháng nghị thì cần phải được thông báo rút kinh nghiệm để khắc phục.

      Thứ 4: Khi phát hiện được vi phạm của bản án, quyết định cần phải nhanh chóng rút hồ sơ nghiên cứu xem xét để xác định mức độ vi phạm, vi phạm điều khoản nào của luật tố tụng và luật nội dung. Đồng thời phải báo cáo đề xuất lãnh đạo đơn vị kháng nghị hay không kháng nghị; đối với những vi phạm rõ ràng, cụ thể, nghiêm trọng phải kiên quyết kháng nghị; khi ban hành kháng nghị phải đảm bảo trong thời hạn kháng nghị, phải đảm bảo về hình thức kháng nghị theo mẫu của Viện kiểm sát tối cao.

      Thứ 5: Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên được phân công thực hiện công tác dân sự; tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm để phục vụ cho công tác nghiệp vụ.

     Thứ 6: Tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát hai cấp để thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm và thực hiện kháng nghị phúc thẩm, hạn chế việc kháng nghị rồi phải rút quyết định kháng nghị.

     Thứ 7: Phòng 5 thường xuyên tổng hợp, ra thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót hạn chế của từng kháng nghị, kể cả những kháng nghị có chất lượng tốt để Viện kiểm sát hai cấp cùng tham khảo, rút kinh nghiệm chung, tránh sai sót tương tự xảy ra. Kịp thời thông báo những bản án, quyết định sơ thẩm của cấp huyện bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy để rút kinh nghiệm chung trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự đối với cấp huyện.

     Đồng thời cũng cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và Kiểm sát viên Phòng nghiệp vụ trong việc kiểm tra, kiểm sát bản án, quyết định của cấp huyện gửi đến để kịp thời phát hiện thiếu sót của cấp sơ thẩm, tham mưu cho Lãnh đạo viện thực hiện công tác kháng nghị, hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy mà Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm để kháng nghị.

     Việc nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự là một trong những biện pháp tích cực để thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát góp phần đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án, đồng thời góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch công tác đã đề ra và cũng là một trong những biện pháp để tăng cường công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 37/2012/QH12 ngày 23/11/2012 của Quốc hội trong ngành Kiểm sát./.

Ngọc Bích - Phòng 5 VKSND tỉnh Lạng Sơn 

5961 Lượt đã xem