Thứ năm, 27 Tháng 10 2022 10:35

Những khó khăn, vướng mắc, nhận thức và áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi

      Tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội chủ yếu là ở các tỉnh, thành khác thực hiện tội phạm rồi đưa bị hại đến tỉnh Lạng Sơn để xuất cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Tình hình mua bán trẻ em vẫn xảy ra, đặc biệt tội phạm mua bán trẻ em mới sinh, thủ đoạn của tội phạm là: các đối tượng thường lợi dụng những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn không nuôi được con hoặc không muốn nuôi con sau khi sinh để thực hiện tội phạm, đối tượng phạm tội nói dối là muốn nhận cháu bé làm con nuôi hoặc mang sang Trung Quốc cho làm con nuôi và cho mẹ cháu bé một khoản tiền, sau khi có được cháu bé thì các đối tượng mang sang Trung Quốc bán. Đối với các vụ mua bán phụ nữ thì thủ đoạn của các đối tượng là hứa hẹn để bị hại sẽ tin tưởng như sang Trung Quốc lấy chồng, bị hại sẽ được một khoản tiền gửi về cho gia đình, sau khi đưa được bị hại sang Trung Quốc thì đối tượng phạm tội sẽ bán bị hại cho các đối tượng người Trung Quốc. Đặc biệt trong thời gian gần đây thì dạng tội phạm mua bán “nhân viên” phục vụ quán hát Karaoke xảy ra nhiều, thực tế đã khởi tố, điều tra được một số vụ. Tuy nhiên để giải quyết các vụ án mua bán người cho thấy còn có những khó khăn, vướng mắc và cần có một số lưu ý để có nhận thức đúng trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể như sau:

      1. Những khó khăn, vướng mắc

      - Theo Điều 7 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (viết tắt Nghị quyết số 02), thì thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi chỉ phạm tội khi biết mục đích người nhận con nuôi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao để nhận tiền hoặc lợi dụng việc cho nhận con nuôi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Thực tế địa phương có vụ án các bị can khai đối tượng người Trung Quốc mua cháu bé để làm con nuôi, việc điều tra gặp nhiều khó khăn để chứng minh được có hay không có căn cứ để cho rằng người đàn ông Trung Quốc mua cháu bé để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…, về vấn đề này việc thực hiện tương trợ tư pháp nhiều vụ không có kết quả.

      - Khó khăn, vướng mắc trong việc chứng minh mục đích tội phạm: Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02 hướng dẫn áp dụng về Tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, đã mô tả một số hành vi khách quan của tội Mua bán người và tội Mua bán người dưới 16 tuổi như sau: "…. chuyển giao hoặc tiếp nhận để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động…". Tuy nhiên việc chứng minh mục đích phạm tội trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Trong nhiều vụ án chỉ có lời khai của nạn nhân là căn cứ buộc tội chủ yếu, nạn nhân không được biết đối tượng phạm tội thỏa thuận việc hưởng lợi hay không, nạn nhân cũng không được nhìn thấy việc giao nhận tiền, bị can thì không thừa nhận hành vi mua bán, không thừa nhận được hưởng lợi. Do đó, các cơ quan tố tụng chỉ có thể xử lý bị can về tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép là không đúng với bản chất tội phạm mà bị can đã thực hiện là tội mua bán người.

      - Hành vi cho và nhận con nuôi: Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 02 nêu "Người biết người khác có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi".

      Theo hướng dẫn thì việc xác định có đúng là vì mục đích nhân đạo hay không cũng khó khăn vì nó chưa xảy ra hoặc cũng có thể đây chỉ là thủ đoạn phạm tội trá hình dưới hình thức “nuôi con nuôi” mà khó có thể chứng minh được. Cũng có thể việc người cho và người nhận con nuôi là đúng sự thật, nhưng các đối tượng môi giới thực hiện việc giao dịch với số tiền rất lớn (bản chất là hoạt động mua bán), trong trường hợp này theo hướng dẫn nêu trên thì không xử lý được các đối tượng môi giới là không thỏa đáng, vì các đối tượng môi giới là vì mục đích lợi nhuận chứ không phải mục đích nhân đạo.

      - Hành vi phụ nữ đang mang thai ra nước ngoài sinh con để bán: Trong năm 2021 địa phương xảy ra một số vụ các đối tượng tìm các phụ nữ mang thai rồi đưa sang Trung Quốc để sinh con rồi bán, theo quy định thì không xử lý được về tội mua bán người, quá trình điều tra cũng không thu thập được chứng cứ để xử lý về tội Tổ chức xuất cảnh trái phép. Rõ ràng, hành vi nêu trên là nguy hiểm cao cho xã hội và mang tính vô nhân đạo, cần phải được xử lý về hình sự, do đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn xử lý hành vi nêu trên về tội mua bán người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, vì tội phạm đang được thực hiện và chưa kết thúc.

      - Hành vi lợi dụng việc môi giới hôn nhân với người nước ngoài: Trong một số vụ án Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua, có hiện tượng những người có nhu cầu xuất cảnh được các đối tượng liên hệ trên mạng xã hội hứa hẹn môi giới cho ra nước ngoài lấy chồng, mặc dù chưa rõ đối tượng kết hôn là ai, cụ thể ở đâu, nhưng vẫn đồng ý để các đối tượng đưa ra nước ngoài với mong muốn sẽ lấy chồng ở nước ngoài. Việc dễ dàng tin vào lời hứa hẹn của những đối tượng môi giới và đồng ý ra nước ngoài của những người xuất cảnh trái phép này tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, trở thành những món hàng hóa để cho các đối tượng phạm tội hướng đến. Trong trường hợp này, việc chứng minh mục đích phạm tội và thủ đoạn gian dối của các đối tượng là hết sức khó khăn.

      2. Một số vấn đề cần lưu ý

      - Đối với những trường hợp chuẩn bị phạm tội (tìm kiếm, chuẩn bị phương tiện, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện hành vi mua bán người), thì người đó không phải chịu TNHS về tội phạm mua bán người theo quy định tại Điều 14 BLHS. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt thì ngoài việc phải áp dụng các điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng quy định tại Điều 15 BLHS.

      - Đối với trường hợp người môi giới dùng thủ đoạn cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn chỉ là phương thức, thủ đoạn để người nước ngoài đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc bán cho người khác nhưng vẫn tiến hành môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài, thì người môi giới phải chịu TNHS về tội phạm mua bán người.

      - Đối với trường hợp người môi giới đưa người đi lao động nước ngoài biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị cưỡng bức lao động, bóc lột trái phép (như: người bị đưa ra nước ngoài bị buộc phải làm việc trong môi trường độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; phải làm việc mà không được trả lương; bị buộc phải hoạt động mại dâm…) nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác; Sử dụng thủ đoạn môi giới đưa lao động ra nước ngoài để chuyển giao người lao động cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác thì phải chịu TNHS về tội phạm mua bán người.

      - Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (sau khi nhận tiền của người lao động đã chiếm đoạt và bỏ trốn, không thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hành vi “chuyển giao hoặc tiếp nhận để giao nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác” là một trong những dấu hiệu của cấu thành cơ bản, tuy nhiên nếu đã chứng minh được yếu tố “bóc lột” (tình dục, lao động) thì không bắt buộc phải chứng minh việc “giao nhận tiền, tài sản hay lợi ích vật chất”. Hành vi Tuyển mộ/Vận chuyển/Chứa chấp nhưng không Chuyển giao/Tiếp nhận thì không cấu thành tội mua bán người.

      - Cần lưu ý việc chuyển giao hay tiếp nhận một người dưới 16 tuổi vì mục đích nhân đạo sẽ không bị kết tội mua bán người cho dù người chuyển giao có thể đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Việc quy định như vậy xuất phát từ nhu cầu cho nhận con nuôi của những gia đình không có điều kiện nuôi con và những gia đình có lòng nhân ái muốn nhận con nuôi. Việc một người mong muốn giúp đỡ, giới thiệu những gia đình này với nhau, sau đó nhận những lợi ích vật chất nhất định sẽ không cấu thành tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi.

      - Đối với trường hợp người môi giới biết việc nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động đối với trẻ em hoặc vì mục đích trái pháp luật khác nhưng đã sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi để chuyển giao trẻ em cho người đó nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.

      - Đối với trường hợp người môi giới nuôi con nuôi biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là sau khi nhận đứa trẻ sẽ bán đứa trẻ đó cho người khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi. Đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì phải chịu TNHS về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi.

      - Sự khác biệt giữa tội mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động với tội cưỡng bức lao động: Hành vi mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động theo quy định tại Điều 150 BLHS yêu cầu phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận, hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác nhằm chuyển giao hoặc tiếp nhận người, việc cưỡng bức lao động nạn nhân là mục đích phạm tội của những hành vi trên, người phạm tội có thể đã đạt được mục đích này hoặc chưa đạt được mục đích này trên thực tế. Quy định tại Điều 297 BLHS về cưỡng bức lao động không bao gồm các hành vi khách quan như chuyển giao hoặc tiếp nhận, hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người, mà bao gồm các hành vi khách quan như hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một số trường hợp quy định tại Điều 297 BLHS.

      - Phân biệt tội mua bán người với mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người: Hành vi mua bán người với mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân theo quy định tại Điều 150 BLHS yêu cầu phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận, hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác nhằm chuyển giao hoặc tiếp nhận người, việc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là mục đích phạm tội của những hành vi trên, người phạm tội có thể đã đạt được mục đích hoặc chưa đạt được mục đích này trên thực tế. Quy định tại Điều 154 BLHS về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người không bao gồm các hành vi khách quan như chuyển giao hoặc tiếp nhận, hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người, mà chỉ bao gồm các hành vi mua bán và chiếm đoạt. Điều đó có nghĩa, người bán và người mua bộ phận cơ thể người trái phép sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 154 BLHS.

      - Phân biệt tội mua bán người với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép: Đối với tội mua bán người thì thủ đoạn phạm tội và mục đích phạm tội là những dấu hiệu bắt buộc phải có trong cấu thành tội phạm cơ bản. Còn đối với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép lại không yêu cầu những dấu hiệu này. Người được đưa đi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể được tự do đi lại sau khi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Còn đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người, họ thường bị hạn chế tự do đi lại. Ngoài ra, một dấu hiệu bắt buộc phải có của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hành vi đưa người vượt qua biên giới quốc gia. Trong khi đó, tội mua bán người có thể xảy ra trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam, từ địa phương này sang địa phương khác không nhất thiết phải có hành vi đưa người qua biên giới.

      Trước tình hình của tội phạm mua bán ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, trong khi quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, chặt chẽ. Để tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh với tội phạm mua bán người, thì việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất về nhận thức trong việc áp dụng pháp luật là hết sức cần thiết. Qua nghiên cứu tác giả xin được nêu ra để cùng trao đổi./.

Nguyễn Tuấn Anh - Phòng 2 VKSND tỉnh Lạng Sơn

2838 Lượt đã xem