Thứ hai, 30 Tháng 8 2021 14:43

Một số vi phạm thường gặp trong công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng

      Việc bắt, tạm giữ hình sự là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm ngăn chặn người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, qua đó cũng phát hiện, thu giữ những dấu vết, vật chứng, công cụ, phương tiện phạm tội đảm bảo cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kịp thời, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc bắt, tạm giữ hình sự ảnh hưởng đến quyền con người nên trong quá trình thực hiện cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật như: Các căn cứ bắt, tạm giữ hình sự; thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giữ hình sự; các chế độ, quyền của người bị bắt trong quá trình bắt, tạm giữ hình sự. Kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự là một phần trong khâu công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam nói chung, nhằm thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân đã được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đó là đảm bảo việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, đơn vị, người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam. Vai trò Viện kiểm sát ở đây là cán cân đảm bảo cân bằng giữa một bên là quyền lực nhà nước (Quyền bắt, tạm giữ hình sự của Đồn Biên phòng) một bên là quyền và lợi ích hợp pháp, quyền con người (tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm…) của người bị bắt, bị tạm giữ.

      Thông tư liên tịch số 08/2021/TTLT-BQP-BCA-VKSNDTC ngày 14/01/2021 của Liên ngành Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 09/3/2021 quy định về phối hợp trong việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2014/ TTLT-VKSNDTC-BQP ngày 17/02/2014 để phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, đã tạo ra hành lang pháp lý để Viện kiểm sát nhân dân có cơ sở thực hiện chức năng kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn.

      Năm 2021 Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc đã tiến hành kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại 04 Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện gồm: Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng Ba Sơn, Đồn biên phòng Bảo Lâm và Thanh Lòa.

Kiểm sát định kỳ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

      Qua công tác kiểm sát phát hiện một số vi phạm thường gặp trong công tác bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn Biên phòng như sau:

      - Thứ nhất, gửi Quyết định tạm giữ chậm cho Viện kiểm sát, thực hiện chưa đúng với quy định tại khoản 4 Điều 117 BLTTHS 2015. Đây là vi phạm thường gặp, nguyên nhân do các Đồn Biên phòng ở xa trung tâm, đường đi lại khó khăn nên khi chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để đề nghị chuyển vụ án mới chuyển quyết định tạm giữ.

      - Thứ hai, hồ sơ các đối tượng bị bắt, tạm giữ hình sự dùng chung với hồ sơ án hình sự. Hồ sơ tạm giữ hình sự chưa có danh bản, chỉ bản, lý lịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam. Tài liệu trong hồ sơ chưa được đánh số thứ tự, chưa có bản thống kê số liệu trong hồ sơ, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 08/2021.

      - Thứ ba, hệ thống sổ để quản lý, theo dõi việc bắt, tạm giữ hình sự của các Đồn Biên phòng chưa có mẫu quy định dẫn tới quá trình kiểm sát thấy có Đồn tự lập sổ, lấy mẫu sổ của Công an, số lượng sổ cũng không thống nhất.

      - Thứ tư, các buồng tạm giữ của các Đồn Biên phòng được xây dựng từ lâu, hiện đều đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong quá trình tạm giữ hình sự.

      Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp:

      Một là, việc thực hiện quy định của khoản 4 Điều 117 BLTTHS 2015 đôi lúc khó thực hiện đúng quy định do Đồn Biên phòng ở xa trung tâm huyện nên việc gửi Quyết định tạm giữ còn chậm không đúng trong thời hạn 12 giờ nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, khoảng cách xa nên Viện kiểm sát yêu cầu Đồn Biên phòng thông báo qua điện thoại cho Viện kiểm sát trước. Đây là điểm linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật.

      Hai là, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp trong Thông tư số 08/2021 như khoản 3 Điều 7 đối với hồ sơ người bị bắt, tạm giữ hình sự của Đồn biên phòng, sau đó phải chuyển hồ sơ để Cơ quan điều tra Công an giải quyết theo thẩm quyền, do thời gian tạm giữ ngắn nên không cần quy định phải lập danh bản và chỉ bản.

      Ba là, kiện toàn hệ thống sổ, hồ sơ, tài liệu theo mẫu chung thống nhất. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bắt, tạm giữ hình sự của các Đồn biên phòng về kỹ năng lập hồ sơ bắt, tạm giữ hình sự đảm bảo đúng quy định pháp luật.

      Bốn là, có quy chế phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với các Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện để tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin và nâng cao trách nhiệm của các bên trong công tác bắt, tạm giữ.

      Năm là, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng cải tạo các "buồng tạm giữ" Đồn Biên phòng đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tạm giữ đối tượng.

      Với nhận thức về lý luận và qua thực tiễn quá trình công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại buồng tạm giữ các Đồn Biên phòng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc. Xin được đưa ra để cùng trao đổi, học hỏi những kinh nghiệp hay nâng cao chất lượng khâu công tác này trong thời gian tới./.

      Nguyễn Thành Luân - VKSND huyện Cao Lộc

3066 Lượt đã xem